HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Friday 24 May 2013

NGHỆ THUẬT HỘI HỌA VÀ ĐIÊU KHẮC CỦA PHẬT GIÁO



CHƯƠNG I
 
NGHỆ THUẬT 
HỘI HỌA & ĐIÊU KHẮC

TIẾT I. KHÁI QUÁT VỀ NGHỆ THUẬT PHẬT GIÁO


Thai tạng giới Mạn-đà-la (tiếng Phạn: garbhadhātumaṇḍala)
Add caption
Vòng Pháp luân
Nghệ thuật Phật giáo là sự phản ánh các khái niệm trong đạo Phật dưới các hình thức nghệ thuật khác nhau – nhất là các lĩnh vực kiến trúc, điêu khắchội họa có liên quan đến Phật, PhápTăng – bắt đầu từ thời ban sơ trước đây 2.500 năm đã phát triển một hệ thống đồ tượng biểu trưng đa dạng và phức tạp. Nghệ thuật Phật giáo bắt nguồn từ tiểu lục địa Ấn Độ, ngay sau khi Phật Thích-ca Mâu-ni (≈563483 TCN) viên tịch.
Trong thời kì tối sơ, nghệ thuật Phật giáo thuộc loại phi thánh tượng (tiếng Anh: aniconic), như vậy là chưa thể hiện hình tượng Phật dưới hình người. Thời kì hưng thịnh của nghệ thuật Phật giáo đầu tiên có lẽ là thời vua A-dục trị vì (≈268232 TCN), ông đã đóng góp rất nhiều cho việc truyền bá Phật giáo tại Ấn Độ cũng như phổ biến đến các khu vực khác như Trung Á, Tích Lan, và ngay cả khu vực Đông Nam Á như các ghi nhận trong lịch sử.
Những hình tượng đầu tiên, đặc biệt là các tượng tạc hình Phật, xuất hiện vào khoảng thế kỉ thứ 1 CN ở các vùng Càn-đà-la (Gandhāra) và Ma-thâu-la (Mathurā)/ Với việc phổ biến Phật giáo đến những vùng Trung, Đông, và Đông Nam Á thì nghệ thuật Phật giáo lại trải qua nhiều ảnh hưởng của các nền văn hóa khác, thu nhận chúng và phát triển một hệ thống đồ tượng tinh tế và phức tạp.

Thời kì phi thánh tượng – thế kỉ thứ 5 TCN đến thế kỉ thứ 1 CN

Đại tháp tại Kiến-chí (Ấn Độ, tk. 3 TCN)
Người ta không thể xác định rõ ràng nguồn gốc của nghệ thuật Phật giáo. Những tác phẩm nghệ thuật đầu tiên được xem là thuộc về Phật giáo xuất phát từ lĩnh vực kiến trúc. Đó là những Tháp-bà (zh. 塔婆, sa. stūpa, pi. thūpa), thường được gọi tắt là "tháp", ban đầu có cấu trúc vòm và là nơi chứa Xá-lợi (sa. śarīra) của Phật. Ở các tháp này, người ta cũng tìm thấy những minh họa nghệ thuật cổ nhất dưới dạng chạm trổ (relief sculpture). Tuy nhiên, các tác phẩm này không có những nội dung đặc thù Phật giáo – có nhiều cảnh được miêu tả rất có thể có nguồn trước Phật giáo, ví dụ như hình của một phụ nữ đang sầu muộn, lõa thể với búi tóc xõa, hoặc các loại La-sát, những thần linh đã có trong truyền thống Ấn Độ giáo. Nhiều hình chạm trổ mang những nét đặc thù Phật giáo xuất hiện trong thế kỉ thứ 2 TCN.

Mặc dù nghệ thuật Ấn Độ đã có truyền thống điêu khắc hình người trước đó rất lâu, nhưng Phật ban đầu không được trình bày dưới hình người, mà thông qua các hình ảnh ẩn dụ như hoa sen, cây bồ đề, bánh xe pháp thuật. Thường thì Phật và giáo lí của Phật được thể hiện bằng những biểu trưng khác nhau và chúng đã trở thành những thành phần chính trong nghệ thuật Phật giáo đến ngày nay.
  • Hoa Sen (liên hoa 蓮華, sa. padma, kamala, puṇḍarīka): vì không để nước và chất bẩn bám vào lá, là biểu tượng của sự trong sạch và Phật tính trong mỗi chúng sinh. Hoa sen dưới dạng mãn khai hoặc dạng bán khai cũng là biểu tượng của sự hạ sinh của thái tử Tất-đạt-đa Cồ-đàm.
  • Bồ-đề thụ (zh. 菩提樹, sa. aśvattha, bodhiruma, bodhitaru, lat. ficus religiosa). Tương truyền Phật đắc đạo dưới cây này và vì vậy nó mang tên "bồ-đề", là cách phiên âm của từ "giác ngộ". Nhưng biểu tượng này cũng đã có nguồn từ những phong tục tín ngưỡng lực phồn thực vốn sẵn có trong xã hội Ấn Độ trước Phật giáo, được xem là "cây của sự sống". Thỉnh thoảng người ta cũng thấy cách trình bày một toà ngồi trống dưới cây bồ-đề, nhắc đến sự thành đạo của Phật.
  •  
  • Pháp luân (zh. 法輪, sa. dharmacakra) - bánh xe (cakra) pháp (dharma), tượng trưng cho Tứ thánh đếBát chính đạo. Nhưng Pháp luân cũng nhắc đến lần Phật thuyết pháp đầu tiên tại Lộc Dã uyển, được gọi là lần đầu tiên "quay bánh xe pháp" (zh. 轉法輪, sa. dharmacakrapravartana) và qua đó, phổ biến Phật pháp khắp nơi trên thế gian. Pháp luân vừa được thể hiện qua những hình điêu khắc nổi, vừa được chạm trổ trên đỉnh các cột trụ mà vua A-dục đã dựng trên khắp vương quốc của ông (xem thêm A-dục vương thạch khắc văn).
  • Sư tử (zh. 獅子, sa. siṃha), biểu tượng của sự cai trị và hoàng gia của vị Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni ("Trí giả trầm lặng của dòng Thích-ca"). Thời vua A-dục, người ta cũng gọi Phật là Thích-ca Sư tử (sa. śākyasiṃha), "Sư tử xuất thân từ dòng Thích-ca". Tương tự Pháp luân, sư tử cũng là một biểu tượng của Phật giáo được vua A-dục đặt trên những cột trụ của ông. Quốc huy Ấn Độ hiện nay là một cột trụ có hình sư tử xuất phát từ Sarnath.
  • Phật túc thạch (zh. 佛足石, sa. buddhapada)- bàn chân Phật trên đá, được xem là một biểu trưng cho sự "khắc Phật pháp" vào thế giới của Phật Thích-ca. Thông thường, biểu tượng này thường đi cùng với hàng loạt biểu tượng khác, ví như pháp luân, bát cát tường (zh. 八吉祥, sa. aṣṭamaṅgala), v.v.
  • Tháp-bà (zh. 塔婆, sa. stūpa, pi. thūpa), tượng trưng cho vũ trụ, đặc biệt là Niết-bàn.
Trong thế kỉ thứ 2 và đầu thế kỉ 1 TCN, các tác phẩm hình tượng, điêu khắc, và hội họa dưới nhiều dạng như đai viền trang trí (en. frieze), bài vị thờ cúng (en. votive tablet) miêu tả các giai đoạn trong cuộc đời đức Phật, ngày càng quan trọng và phổ biến vì chúng được xem là những tác phẩm nghệ thuật minh họa Phật pháp cho người không biết đọc. Mặc dù hình người được trình bày trong các tác phẩm này nhưng Phật vẫn được miêu tả bằng những biểu tượng nêu trên. Nguyên nhân ở đây có thể là một lời nói của Phật trong Trường bộ kinh và theo đó, Phật không tán thành việc trình bày ngài trong tranh tượng sau khi ngài nhập Niết-bàn. Theo các nhà sử học tôn giáo[cần dẫn nguồn] thì có lẽ các nghệ nhân, tăng sĩ thời đó thấy việc miêu tả một nhân vật đã vượt ra khỏi vòng sống chết, đã lìa xa tất cả những việc đời thường cũng như vật chất, tâm thức,... bằng hình tượng là một việc không thể thực hiện.

Thời kì thánh tượng - thế kỉ thứ 1 đến nay

Càn-đà-la, thế kỉ 1.
Bồ Tát Di-lặc, Ma-thâu-la, thế kỉ 2.
Tại Nam Ấn Độ, truyền thống biểu hiện Phật bằng biểu tượng vẫn còn được gìn giữ đến thế kỉ thứ 2 (xem trường phái A-ma-la-bà-đề, sa. amāravatī). Nhưng trong thế kỉ 1, hình tượng trình bày đức Phật đầu tiên đã xuất hiện ở hai khu vực miền Bắc Ấn. Một số nhà nghiên cứu cho rằng, hình tượng Phật có thể đã xuất hiện trước đó nữa, nhưng vì được khắc hoặc vẽ trên những vật liệu nhanh mục như gỗ, vải hoặc lá cọ nên chúng không thể lưu dấu tích để chứng minh. Tuy nhiên, cho đến bây giờ người ta vẫn chưa tìm được một bằng chứng cho giả thuyết này từ phía khảo cổ học.

Càn-đà-la và Ma-thâu-la

Tại khu vực Càn-đà-la (vị trí hiện nay là miền Đông Afghanistan, miền Tây Bắc Pakistan và có thời kì lấn sâu vào Punjab) và Ma-thâu-la (phía nam thủ đô Delhi của Ấn Độ ngày nay), các trào lưu nghệ thuật trình bày Phật dưới hình người xuất hiện gần như cùng lúc và ảnh hưởng lẫn nhau. Nhưng người ta vẫn chưa xác định được việc trình bày Phật dưới hình người thực sự có trước ở miền nào. Trong mọi trường hợp, phong cách của các nghệ nhân Ma-thâu-la chịu ảnh hưởng Ấn Độ giáo truyền thống trong khi nghệ thuật Càn-đà-la lại phản ánh ảnh hưởng của nghệ thuật Hi Lạp vốn đã có mặt ở đó hơn vài thế kỉ.


 Trong cuộc viễn chinh cuối Alexander Đại đế (356 – 323 TCN) đã chiếm đóng được Taxila (gần Peshawar), là thủ đô kể từ thời vua người Achaemenid là Darius I (549 - 486 TCN). Càn-đà-la trở thành một phần của khu vực cai trị rộng lớn của Alexander Đại đế và tiếp tục là khu vực cai trị của Hi Lạp sau khi ông qua đời. Do vậy, ở nơi này, tín ngưỡng Phật giáo và truyền thống nghệ thuật cũng như mĩ học Cổ Hi Lạp và sau đó mĩ học địa phương La Mã đã hòa hợp nhau. Trong thế kỉ 1, cả Càn-đà-la và Ma-thâu-la đều bị vương triều Quý Sương (zh. 貴霜王朝, Kuṣāṇa) chiếm đóng và chịu ảnh hưởng của nó nhiều thế kỉ (tk. thứ 5 vương triều mới rơi vào tay quân Bạch Hung - Hephthalite). Trong thời gian này, vua Ca-nị-sắc-ca (zh. 迦膩色迦, sa. Kaniṣka) giữ một vai trò quan trọng với việc ủng hộ Phật giáo nói chung và nghệ thuật Phật giáo nói riêng.


Sự hòa hợp và ảnh hưởng lẫn nhau của nghệ thuật mang đậm sắc thái Ấn Độ tại Ma-thâu-la và của nghệ thuật mang dấu ấn Hi Lạp tại Càn-đà-la đã tạo ra một dạng nghệ thuật căn bản cho tất cả các trường phái nghệ thuật Phật giáo sau này, đó là Phật giáo Hy Lạp.
Mặc dù không xác định được những đồ tượng miêu tả Phật dưới nhân dạng xuất phát từ nơi nào, nhưng trong các tượng được tạc, người ta vẫn thấy được những dấu tích của hai truyền thống nguyên thuỷ: tóc xoắn, pháp y che hai vai, giày hoặc những nét trang trí với những chiếc lá Acanthus được xếp theo trật tự Ca-lâm-đa (Corinthian order) được xem là bắt nguồn từ Càn-đà-la. Ngược lại, pháp y với những nét tinh tế hơn và chỉ che bên vai trái, đài hoa sen làm chỗ ngồi của Phật cũng như Pháp luân trong bàn tay của ngài được xem có nguồn từ Ma-thâu-la.


Tại Ấn Độ, nghệ thuật Phật giáo tiếp tục phát triển trong các thế kỉ tiếp theo trên cơ sở này. Đáng kể là nghệ thuật của các nhà tạc tượng tại Ma-thâu-la, đặc biệt là việc sử dụng sa thạch đỏ làm chất liệu trong thời kì vương triều Cấp-đa (Gupta, tk 4-6). Nơi đây, các sắc thái nghệ thuật chính được kết tụ trong thế kỉ thứ 7-8, được xem là tiêu chuẩn cho hầu hết tất cả những nước ở châu Á có truyền thống Phật giáo sau này: thân và tứ chi của Phật thanh nhã và cân xứng, lỗ tai dài có lỗ bấm nhắc đến thời kì ngài còn là thái tử Tất-đạt-đa, búi tóc trên đầu gợi nhớ lại thời Phật tu khổ hạnh như một Du-già sư (sa. yogin) và cuối cùng, cặp mắt chỉ hé mở, không nhìn người đối diện mà chỉ hướng nội thiền định. Từ đó về sau, cách trình bày Phật đều mang những nét hiện thực được lí tưởng hóa.


Tại Ấn Độ, từ thế kỉ thứ 10 trở đi, Phật giáo và nền nghệ thuật hệ thuộc dần dần bị Ấn Độ giáo trong lúc đang phục hưng lấn át. Sau đó, Ấn Độ bị Hồi giáo từ phương Tây xâm chiếm, Phật giáo gần như hoàn toàn bị mai một ở xứ Ấn.

Cùng với sự phổ biến Phật giáo, nhiều trường phái nghệ thuật Phật giáo xuất hiện song song với các trường phái giáo lí Phật giáo lớn như là Tiểu thừa, Đại thừaKim cương thừa. Các trường phái này có nhiều điểm giống nhau, nhưng mặt khác cũng phát triển những nét rất đặc thù. Thông thường, người ta phân biệt giữa hai nhánh chính, đó là Nghệ thuật Phật giáo Bắc truyền (Đại thừa) và Nghệ thuật Phật giáo Nam truyền (Tiểu thừa). Trong khi các thành phần đối xứng và tư thế ngày càng được nghệ thuật Bắc truyền lí tưởng hóa nhằm ứng đáp quan điểm Phật là "xuất thế nhân", mang những đặc tướng siêu việt thì các trường phái Nam truyền có vẻ vẫn biểu hiện Phật với những nét của "thế nhân", xem Phật vẫn là một người, mang thân thể của con người[cần dẫn nguồn].

Phật giáo Bắc truyền

Phật Thích-ca Mâu-ni (nhà Nguỵ, Trung Quốc, tk. 6)
Phật A-di-đà tại Long Môn (Trung Quốc, nhà Đường, tk 7-9)

Bồ Tát Di-lặc (Lạc Sơn, Trung Quốc, tk. 8)

Bồ Tát Quán Thế Âm với tượng Phật A-di-đà trên đỉnh đầu (nhà Tống, Trung Quốc, tk. 13)

Nhà Minh (Trung Quốc, tk. 16)
Phật giáo Bắc truyền dưới dạng Đại thừa được truyền bá có gốc xuất phát là Càn-đà-la, trước hết xuyên Con đường tơ lụa đến Trung ÁTrung Quốc, sau đó tiếp tục đến Hàn Quốc, Nhật BảnViệt Nam. Một cung cách riêng với hệ thống đồ tượng rất đa dạng và đặc thù được tìm thấy trong Kim cương thừa tại Tây Tạng. Phật giáo Bắc truyền, như trường hợp Đại thừa nói chung, được đánh dấu bằng một hệ thống đồ tượng phức tạp với rất nhiều vị PhậtBồ Tát khác nhau.

Trung Á

Khu vực ảnh hưởng Phật giáo Càn-đà-la tồn tại đến thế kỉ thứ 7, khi Hồi giáo bắt đầu chiếm lĩnh phần lớn khu vực Trung Á. Song song với những tác phẩm xác lập phong cách của các nhà điêu khắc, các tượng Phật tại Ba-mễ-dương (Bāmiyān) cũng thuộc vào những di sản của nền văn hóa Phật giáo đầu mùa này.

Vì địa thế đặc biệt nên Trung Á luôn là một địa điểm hội tụ của các nền văn minh cổ - văn minh Trung Hoa bên phía Đông, văn minh Ấn ĐộBa Tư ở miền Nam, sau đó là các nước dưới quyền Alexander Đại đế, vương triều Tắc-lưu-tây (en. seleucid), và cuối cùng là văn minh La Mã từ miền Tây. Người Hán đã tiếp xúc với văn minh Hy Lạp trong thế kỉ thứ 2 TCN trong thời kì bành trướng sang hướng Tây. Những mối quan hệ ngoại giao được thành lập và cuối cùng, các tuyến lộ thương mại xuất hiện, được biết đến ngày nay dưới tên "Con đường tơ lụa".

Phật giáo được phổ biến dọc theo con đường này. Tháp, tự viện, và một số vương quốc Phật giáo nhỏ được kiến lập trong những ốc đảo bên cạnh Con đường tơ lụa. Rất nhiều công trình kiến trúc và đồ tượng của thời kì này còn được tìm thấy tại nhiều vùng phía đông của Trung Á, miền Tây Bắc Trung Quốc hiện nay (Thổ Nhĩ Kì Tư Thản - Turkestan - Bồn địa Tháp-lí-mộc - Tarim Basin - và Tân Cương), chẳng hạn như những bức hoạ và chạm trổ trên tường trong một loạt tự viện được xây trong hang đá, những bức tranh được vẽ trên vải, tượng đá và những khí cụ được dùng trong nghi lễ. Đặc biệt là những tác phẩm cổ nhất ở đây cho thấy rõ ảnh hưởng của nghệ thuật Càn-đà-la. Ngay cả văn bản được viết bằng chữ Kharoṣṭhī của vùng Càn-đà-la cũng được tìm thấy ở những ốc đảo. Với sự phát triển quan hệ thương mại, ảnh hưởng của Trung Quốc tăng trưởng rất nhanh, văn hóa và nghệ thuật của những dân tộc sống dọc theo Con đường tơ lụa sau cũng biến đổi theo.

Trung Quốc

Truyền thuyết cho rằng, thời vua A-dục trị vì (thế kỉ thứ 3 TCN) đã cử nhiều vị tăng đến Trung Quốc truyền đạo. Việc truyền bá Phật giáo đến Trung Quốc được ghi nhận rõ ràng bắt đầu vào thế kỉ thứ 1 CN. Từ thế kỉ thứ 4 trở đi, người ta có thể tìm thấy một nghệ thuật Phật giáo tự lập và đa dạng, đặc biệt trong lĩnh vực tạc tượng, vẽ tranh trên tường và sau đó, dưới dạng tranh cuốn (Thangka). Ngoài vị Phật lịch sử Thích-ca Mâu-ni, tranh tượng còn trình bày Phật A-di-đà, Đại Nhật và các vị Bồ Tát khác (Quán Thế Âm,...).


Các vương triều miền Bắc - Bao gồm khu vực cai trị của các vương triều (Bắc Ngụy 北魏, Đông Ngụy 東魏, Tây Ngụy 西魏, Bắc Tề 北齊, Bắc Chu 北周) về mặt địa lí đều rất xa nguồn gốc Phật giáo tại Ấn Độ. Trong thế kỉ thứ 5-6, một phong cách nghệ thuật rất đặc thù được hình thành, bao gồm những thành phần biểu đạt trừu tượng có tính chất sơ đồ. Ban đầu, cách trình bày còn mang những đặc điểm được tìm thấy trong các hình tượng thần linh truyền thống bản địa: trán rộng, sống mũi thon, sắc nét và miệng nhỏ cười mỉm. Hào quang không tròn với mũi nhọn đưa lên tương tự một chiếc lá. Chỗ thờ cúng và tưởng niệm thường được trình bày trong hang động theo truyền thống Ấn Độ (xem A-chiên-đà). Các hình tượng thường được biểu hiện dưới dạng chạm trổ, đục từ vách đá ra. Những di tích quan trọng và nổi tiếng nhất được tìm thấy trong những hang đá tại Long Môn (Long Môn thạch quật, bắt đầu từ thế kỉ thứ 5 nhà Bắc Nguỵ, nhà Đường; gần Lạc Dương, tỉnh Hà Nam). Đến thế kỉ thứ 6 người ta còn tìm thấy nhiều hình tượng được làm bằng đất nung, sau đó tượng đồng ngày càng xuất hiện nhiều hơn và cũng được truyền đến Hàn Quốc.


Nhà Đường - Hai vương triều kế đến là nhà Tùy và nhà Đường lại chú tâm đến các tài liệu gốc Ấn Độ hơn. Nhiều cao tăng Trung Quốc đã sang Ấn Độ trong thời gian giữa thế kỉ thứ 4 và 11. Một trong những cao tăng du học trong thế kỉ thứ 7 được nhắc đến là Huyền Trang và nhờ vị này mà người ta có được một bài tường thuật về các tượng Phật tại Ba-mễ-dương. Cuộc giao lưu văn hóa giữa Trung Quốc và Ấn Độ dưới vương triều Cấp-đa đã dẫn đến sự một kiện quan trọng là: từ lúc này, nghệ thuật Phật giáo Trung Quốc ngày càng có xu hướng đi sát với nghệ thuật Ấn Độ; Nếu tranh tượng của các vị Phật và Bồ Tát trước đây thon gầy và theo truyền thống Càn-đà-la, mang pháp y có nhiều nếp pli phủ từ cổ xuống chân, thì giờ đây, thân thể của chư vị có vẻ "mập" hơn và cũng có một phần thân không được che phủ (vai bên phải, bán thân phía trên).

Cổ của chư vị có ba "ngấn thẩm mĩ", mô típ hoa sen ngày càng được dùng như một thành phần trang trí, hào quang giờ đây có hình tròn. Mặc dù tư thế được trình bày vẫn còn cứng và không tự nhiên, nhưng gương mặt lại mang những nét dễ gần và tự nhiên hơn. Kể từ thế kỉ thứ 7 người ta lại thấy một phong cách nghệ thuật mới: gương mặt tròn trịa, bộ tóc được trang điểm phức tạp hơn với nhiều trang vật khác nhau. Song song với nghệ thuật tạc tượng, ban đầu hội hoạ trên vách của các tự viện và thạch động là chủ yếu.

Nhưng đến cuối đời nhà Đường thì một phong cách hội hoạ đặc thù được phát triển trên những bức tranh cuốn. Các nghệ nhân thời đó thường lấy hình tượng các vị Bồ Tát hoặc chư thiên, hộ thần đã được thuyết phục ủng hộ Phật pháp - vốn được trang trí rực rỡ hơn - làm mô típ thay vì lấy hình tượng giản dị của Phật Thích-ca Mâu-ni.

Nhà Đường rất rộng mở cho những ảnh hưởng bên ngoài. Trong thế kỉ thứ 9, vào khoảng cuối nhà Đường, sự phóng khoáng nghệ thuật này cuối cùng đã chuyển biến thành cực biên khác. Vào năm 845, Đường Vũ Tông (武宗 814–846, tức Lí Viêm 李炎) ra lệnh đàn áp tất cả những "tôn giáo ngoại lai" như Cảnh giáo (景教, Nestorianism), Toả-la-á-tư-đức giáo (瑣羅亞斯德教, Zoroastrianism) và Phật giáo. Tự viện Phật giáo bị đóng cửa và Phật tử giờ đây bị đàn áp, buộc phải ẩn náu tu hành. Phần lớn những thành tích nghệ thuật đời Đường chỉ trong vài năm đã bị phá huỷ. Qua Pháp nạn này, sự phát triển của nghệ thuật Phật giáo tại Trung Quốc cũng bị đình chỉ gần như hoàn toàn.

Thiền tông - Là một trong những tông phái Phật giáo sống sót sau Pháp nạn 845, Thiền tông đã được chấn hưng vào đời nhà Tống (1126-1279). Các thiền viện lúc này cũng được xem là trung tâm của văn hóa và giáo dục. Từ thế kỉ 13 trở đi, Thiền tông chính thức được truyền sang Nhật Bản.
Xem thêm Phật giáo Trung Quốc

Hàn Quốc

Hàn Quốc, thế kỉ 8-9
Tượng Phật Thích-ca tại Minh Nhật Hương Thôn (明日香村, ja. asuka-mura, Nhật Bản, 609). Đây là tượng Phật cổ nhất tại Nhật có ghi chính xác thời điểm hoàn tất.

Ngũ Trùng tháp (五重塔) tại Hưng Phúc tự (興福寺), Nại Lương, Nhật Bản, tk. 8

Bình đẳng có yếu tố (平等院, ja. Byodoin), Nhật Bản, thế kỉ 11

Nghi thức dùng trà

Nghệ thuật vườn Nhật (Nhật Bản đình viên 日本庭園)

Phật giáo được truyền sang Hàn Quốc trong thế kỉ thứ 6 từ Trung Quốc qua sự tiếp xúc với những bộ tộc thảo nguyên tại Trung Á và Bắc Á. Ban đầu, nghệ thuật Phật giáo Hàn Quốc chịu ảnh hưởng Trung Quốc cũng như ảnh hưởng của nghệ thuật truyền thống bản xứ: hình dạng trừu tượng nhưng đồng thời mang nhiều trang vật truyền thống. Tuy nhiên, khác với những những hình tượng mang nhiều trang vật sặc sỡ của nghệ nhân Trung Quốc, người Hàn chuộng phong cách đơn giản, rõ ràng hơn như có thể thấy được ở phong cách biểu hiện các vị Phật siêu việt như Đại Nhật Phật. Truyền thống nghệ thuật này sau cũng có ảnh hưởng lớn tới nền Phật giáo Nhật Bản.

Nhật Bản

Phật giáo cũng được truyền sang Nhật Bản vào thế kỉ thứ 6 qua các tăng sĩ Hàn Quốc và Trung Quốc và đã được phổ biến trong thế kỉ 7. Vì địa thế ốc đảo đặc biệt, là miền cực Đông của Con đường tơ lụa nên nhiều truyền thống Phật giáo cũng như nghệ thuật Phật giáo vẫn được lưu tồn ở đây trong khi bị đàn áp và suy tàn ở những khu vực phương Tây khác như Ấn Độ, Trung Á và Trung Quốc. Trong lĩnh vực nghệ thuật thì ban đầu, phong cách Hàn Quốc được tiếp nối và có phần bị ảnh hưởng bởi phong cách nghệ thuật truyền thống Nhật Bản thời Minh Nhật (明日, ja. asuka, 593-710).


Thời đại Nại Lương (奈良, ja. nara, 710794), nhiều nghệ nhân và tăng sĩ sang Trung Quốc học hỏi và mang các tranh tượng cũng như văn bản về bản xứ. Thời kỳ nhà Đường, nghệ thuật Phật giáo Trung Quốc mang nặng ảnh hưởng của vương triều Cấp-đa (sa. gupta) tại Ấn Độ, và vì vậy, ảnh hưởng này cũng được truyền sang Nhật Bản: Các bức tranh trên tường có nhiều nét giống các bức tranh trong những hang động tại A-chiên-đà (zh. 阿旃陀, sa. ajantā); nhiều nét của chủ nghĩa hiện thực - vốn đã có mặt trong thời Minh Nhật và chịu ảnh hưởng Hàn Quốc rõ rệt - tiếp tục được nhấn mạnh; các nếp pli (nếp xếp) của pháp y được đơn giản hóa và được làm rõ ràng hơn, đồng thời nụ cười mỉm trong các gương mặt đã nhường chỗ cho nét mặt yên tĩnh, êm dịu. Từ thế kỉ thứ 8, nghệ thuật Phật giáo Nhật Bản bắt đầu khác biệt phong cách của các nước láng giềng phương Tây. Các tượng Phật giờ đây có thân thể và tư thế hùng vĩ.

Các bức tượng ngày càng được tạo với số lượng lớn bằng đất nung và gỗ (với kĩ thuật sơn đặc biệt của người Nhật) thay vì bằng đồng. Một trong những tượng Phật lớn và quan trọng nhất còn được đúc bằng đồng là tượng Đại Phật (ja. daibutsu) tại Đông Đại tự (zh. 東大寺, ja. tōdai-ji), được hoàn tất năm 749. Nhưng song song với đó, nhiều tự viện được kiến lập với những kiến trúc đặc biệt như Tháp ngũ tầng (Ngũ trùng tháp 五重塔 gojū-tō) tại Nại Lương, Đại Kim đường (大金堂, ja. daikondō) tại Pháp Long tự (zh. 法隆寺, ja. hōryū-ji) hoặc Hưng Phúc tự (興福寺, ja. kōfuku-ji). Hội hoạ và tranh thuỷ mặc (có phần được tô màu) hay được dùng để minh hoạ các bộ kinh, thường theo những mô típ và phong cách của nghệ thuật Trung Quốc và Trung Á.


Thời đại Bình An (平安, ja. heian, 7941185) được đánh dấu bởi sự chuyên chú vào các nhánh Mật giáo với nhiều vị Phật siêu việt (Đại Nhật Phật, A-di-đà Phật, Di-lặc v.v...) và các vị Bồ Tát. Cùng với khuynh hướng này, một phong cách thoát li ảnh hưởng cũ (Đường, Cấp-đa) xuất hiện. Thời đại Bình An được xem là thời vàng son của nghệ thuật Phật giáo tại Nhật. Vật liệu điêu khắc được chuộng nhất là gỗ, thường được mạ vàng hoặc được sơn. Chỉ gỗ có hương mới được để nguyên không xử lí. Trong lĩnh vực hội hoạ, nhiều Mạn-đà-la xuất hiện, được các thế hệ sau xem là tiêu chuẩn và được sao lại rất nhiều. Kể từ thế kỉ 12, nghệ thuật tạo hình Nhật Bản tập trung vào cách trình bày này những mô típ thuộc trường phái tôn xưng Phật A-di-đà, tức là Tịnh độ tông hoặc Tịnh độ chân tông.


Nghệ thuật Phật giáo Nhật đạt đến đỉnh cao tột độ trong thời đại Liêm Thương (鐮倉, ja. kamakura, 11851333). Đặc biệt trong lĩnh vực tạc tượng, các nghệ nhân đã hoàn tất nhiều bức tượng đặc biệt tả chân bằng gỗ, thường được tô họa và trang trí với cặp mắt bằng thủy tinh. Ngoài các vị Phật và Bồ Tát, người ta cũng bắt đầu tạo tượng của các vị Cao tăng. Thêm vào đó, tuy không nhiều, một số tượng Phật vĩ đại được đúc tạo, ví dụ như tượng Đại Phật cao 11m tại viện Cao Đức (高徳院, ja. kōtokuin, 1252). Trong các bức tranh, khuynh hướng hiện thực được nhấn mạnh quá mức và nhiều bức tranh giờ đây xem lại lại giống như biếm hoạ.


Kể từ thế kỉ 12 và 13, một dạng Phật giáo rất đặc thù phát triển song song với các trường phái Tịnh độ tại Nhật, đó là Thiền tông. Thiền sư Minh Am Vinh Tây (明菴栄西, ja. myōan eisai) đã học Thiền tại Trung Quốc và sau đó khai sáng Lâm Tế tông tại Nhật. Đạo Nguyên Hi Huyền (道元希玄, ja. dōgen kigen) - một thời cũng là đệ tử của Vinh Tây - trở thành tổ khai sáng Tào Động tông sau đó. Nghệ thuật Thiền phát triển một loạt phong cách, hình thức rất đặc biệt, chẳng hạn như: Thư đạo (書道, ja. shodō), Nghệ thuật vườn Nhật (Nhật Bản đình viên 日本庭園), tranh mực tàu (mặc hội 墨絵, ja. sumi-e) hoặc thơ Bài cú (俳句, ja. haiku). Đặc điểm chung của tất cả các nghệ thuật trên là sự cố gắng thể hiện "bản chất" của các hiện tượng trên thế gian theo chủ nghĩa ấn tượng, không màu mè và nguyên lí bất nhị.

Quá trình "tạo" một sản phẩm nghệ thuật ở đây không chỉ là một hành động sáng tạo đơn thuần, mà hơn nữa, được xem như một tiến trình tu tập, là biểu thị của tâm thức nỗ lực tiến đến giác ngộ "lập tức". Chính từ cơ sở này mà xuất phát nhiều nhánh nghệ thuật khác như Nghệ thuật cắm hoa (生け花, ikebana), Trà đạo (茶道, ja. sadō) hoặc nghệ thuật bắn cung, Cung đạo (弓道, ja. kyūdō). Cuối cùng thì, theo quan điểm nhà Thiền, mỗi hành động đều có thể được xem là một nghệ thuật hàm dung ý nghĩa thẩm mĩ và ý nghĩa tâm linh.
Ngày nay, tính về mặt dân số thì Nhật Bản là một trong những quốc gia Phật giáo lớn nhất. Người ta liệt kê được ở Nhật khoảng 80.000 ngôi chùa, trong đó có nhiều tự viện rất cổ, được kiến tạo bằng gỗ và được trùng tu đều đặn.

Tây Tạng và khu vực Hi Mã Lạp Sơn

Tượng Kim Cương Tát-đoá (sa. vajrasattva) mạ vàng, Tây Tạng
Dạ-ma (Tây Tạng, tk. 17-18)

Phật giáo Kim cương thừa - thường được các nhà Phật học châu Âu cho là một dạng Phật giáo "bí mật", dùng "huyền thuật" - là sự phối hợp giữa truyền thống Bà-la-môn/Ấn Độ giáo (dùng Chân ngôn, các phép Du-già, tế lễ), cũng được gọi là Đát-đặc-la giáo (sa. tantrayāna), và giáo lí truyền thống của đức Phật. Trong thế kỉ thứ 8-9, Kim cương thừa được Đại sư Liên Hoa Sinh (sa. padmasambhava), vốn xuất thân từ khu vực Càn-đà-la, truyền sang Tây Tạng. Ban đầu, nghệ thuật Phật giáo Kim vương thừa Tây Tạng chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Phật giáo Hy Lạp cũng như ảnh hưởng của Bengal và Trung Quốc


Một trong những phát triển nghệ thuật quan trọng nhất của Phật giáo Tây Tạng là các Mạn-đà-la (sa. maṇḍala). Mạn-đà-la là việc miêu tả một cách rất chính xác và rõ ràng các "cung điện của thiên giới" với trung tâm là một hình vuông được bao bọc bằng một hình tròn trình bày một vị Phật hoặc Bồ Tát. Khu vực vây quanh - thường là một hình tròn - được một số hình tượng chiếm giữ tùy theo mô típ (các vị Phật, Bồ Tát, chư thiên, Hộ Pháp, La-sát... hoặc Cao tăng) hoặc các biểu tượng khác (khí cụ được dùng trong lúc thực hiện nghi lễ, tòa kiến trúc, các mẫu hình trừu tượng). Phong cách của các Mạn-đà-la thường được bắt chước nghệ thuật Ấn Độ thời Cấp-đa và nghệ thuật Ấn Độ giáo. Mạn-đà-la xưa nay được dùng làm đối tượng thiền quán, giúp thiền giả tập trung vào mô típ nhất định và qua đó, tập trung vào nội dung giáo lí gắn liền với nó.

Tăng sĩ Tây Tạng đang tạo một Mạn-đà-la bằng cát

Song song với các Mạn-đà-la dưới dạng hình cuốn (xem thêm Thăng-ca) và tranh treo tường, một dạng đặc biệt khác cũng được phát triển, đó là Mạn-đà-la cát. Một Mạn-đà-la cát được nhiều tăng sĩ cùng nhau tạo trong phạm vi của một nghi lễ lớn nhất định nào đó. Thông thường, họ cần nhiều ngày liên tục để tạo Mạn-đà-la và sau khi hoàn tất thì nó bị phá hủy ngay - cát được gom lại và rắc xuống sông hay được chia nhỏ ra cho các Phật tử chiêm bái.

Mạn-đà-la cũng được dùng như một sơ đồ mặt bằng cho các cấu trúc trong một tự viện. Các cổng vào, chỗ ở, chỗ thắp hương niệm Phật và chính điện được sắp xếp như trong một Mạn-đà-la và người ta quả thực đã tạo nhiều sản phẩm nghệ thuật, đền thờ, tự viện không gian ba chiều theo những Mạn-đà-la mặt phẳng hai chiều.
Hình tượng tại Tây Tạng thường được tạo bằng gỗ hoặc kim loại, ít khi bằng đá. Sau thế kỉ 16, ảnh hưởng nghệ thuật Phật giáo Trung Quốc tăng dần.

Việt Nam

Tượng Phật tại chùa Long Sơn, Nha Trang, thế kỉ 20

Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Thế Âm tại chùa Bút Tháp, 1656

Tuy nằm trong khu vực Đông Nam Á cũng như thuộc về những nước Phật giáo Nam truyền về mặt địa lí, nhưng Việt Nam được xếp vào những nước theo Phật giáo Đại thừa, nghĩa là Phật giáo Bắc truyền. Từ thế kỉ thứ nhất đến thế kỉ thứ 9, Bắc Việt trực thuộc Trung Quốc và đã thừa kế truyền thống Nho giáoPhật giáo Đại thừa từ xứ này - và cùng với Phật giáo, nghệ thuật Phật giáo cũng được truyền bá tại Việt Nam.


Tại miền Nam Việt Nam hiện nay - thời xưa một phần thuộc về vương quốc Phù Nam, một phần thuộc về vương quốc Champa - chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ du nhập trực tiếp bằng đường biển. Vì vậy, Phật giáo Đại thừa đã được biết đến rất sớm, nhưng tôn giáo chính ở đây vẫn là Ấn Độ giáo.
Phong cách nghệ thuật "Ấn Độ hóa" tại miền Nam - vốn có nhiều điểm giống với nghệ thuật Khmer thời kì Angkor. Cả hai đều chịu ảnh hưởng của nghệ thuật Java (Indonesia) - tồn tại đến thế kỉ 15, khi Champa bị Việt Nam xâm chiếm (1471), và cuối cùng, bị tiêu diệt hoàn toàn vào khoảng 1720. Nhiều di tích nghệ thuật của vương quốc Champa còn tồn tại, ví dụ như một số đền thờ (tháp Chàm) và hình tượng bằng đá cát. Ngoài ra, gỗ cũng sớm được dùng cho những tác phẩm nghệ thuật. Di tích cổ nhất là một bức tượng Phật bằng gỗ, được tạc trong thế kỉ thứ 6 và hiện đang được lưu giữ trong viện Bảo tàng Lịch sử tại Saigon 

Đời nhà Mạc (1527-1592) và nhà Hậu Lê (1533-1788) được xem là thời kì vàng son của nghệ thuật Phật giáo. Tượng Quán Thế Âm nghìn tay nghìn mắt tại chùa Bút Tháp được nghệ nhân Trương Thọ Nam đúc vào năm 1656 là một trong những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo quan trọng nhất của Việt Nam. Tuy có khác chút ít về chi tiết, nhưng tượng Quán Thế Âm tại chùa Bút Tháp có thể được xem là được đúc theo một mô hình Ấn Độ. Đây là bức tượng được triều đình cung tiến cho chùa, nên có sự đầu tư lớn và là bức tượng duy nhất trong hệ thống tượng cổ Việt Nam có ghi niên đại năm tạc, danh tính người tạc. Trên tượng có ghi: "Tuế thứ Bính Thân niên, thu nguyệt, cốc nhật doanh tạo. Nam Đông Giao Thọ nam tiên sinh phụng khắc"

. Tượng phối hợp cả hai dạng xuất hiện của Quán Thế Âm, đó là Quán Thế Âm Thập nhất diện đại bi thế tự tại (zh. 十一面大悲世自在, sa. ekādaśamahākāruṇika-lokeśvara) với 8 tay và Thiên thủ thiên nhãn thế tự tại (zh. 千手千眼世自在, sa. sahasrabhuja-lokeśvara) với gần 1000 cánh tay, đồng thời, trong lòng mỗi bàn tay đều có chạm một con mắt, làm cho bức tượng mang ý nghĩa kép. Những cánh tay ở đây vừa là ánh hào quang độ lượng của Phật, vừa tượng trưng cho những bàn tay dang ra cứu vớt đời, vừa là những con mắt thấu suốt coi sóc đến chúng sinh. (Riêng tượng Quan Âm ở chùa Mễ Sở, Hưng Yên thì có hơn 1000 cánh tay và mắt).

Truyền thuyết kể lại rằng, khi nhìn nỗi khổ của chúng sinh trong địa ngục, ngài kinh hoảng đến mức đầu vỡ tung thành 10 mảnh. A-di-đà, vị Phật đỡ đầu của ngài, biến mỗi mảnh đầu vỡ đó thành một đầu (hoặc gương mặt) nguyên vẹn. 9 gương mặt hiền hậu, gương mặt thứ 10 là hung tợn vì người ta cho rằng, với một gương mặt hung tợn Bồ Tát dễ xua đuổi các loại tà ma. Gương mặt thứ 11 (hoặc nguyên hình tượng) là Phật A-di-đà. Trong tượng "nghìn tay nghìn mắt" (một con số lí tưởng không thể thực hiện được) thì mỗi tay của Quán Thế Âm cầm một con mắt, tượng trưng cho lòng đại bi của ngài, vốn không loại chúng sinh nào ra; cho biết là lòng quan tâm của ngài đi đến mọi nơi và ngài có đủ phương tiện để cứu độ tất cả chúng sinh đúng theo lời nguyện của một vị Bồ Tát. (Xem chi tiết bài Tượng Quan Âm chùa Bút Tháp).
Nhà điêu khắc Lê Đình Quỳ viết như sau về pho tượng này [1]:
Tác giả Trương Thọ Nam đã tiếp thu và nâng nghệ thuật của pho tượng này lên đỉnh cao bởi giao lưu với nền nghệ thuật điêu khắc Ấn Độ, và điêu khắc Chăm, nhất là những cánh tay của Phật như những cánh tay vũ nữ thanh khiết của người Chăm. Trang phục của Quan Âm được tác giả chuyển sang hình khối, bố cục đường nét rất lãng mạn theo phong cách Việt Nam mà ông đã tiếp thu được từ nền nghệ thuật Lý-Trần qua cách miêu tả sen. Sen thời Lý được chạm rồng trên các cánh hoa, sen thời Lê được chạm khắc theo những nét lửa Lê - ngọn lửa của truyền thống chống ngoại xâm.
Châu Á là nơi đạo Phật khởi nguồn nên chủ đề "Quan Âm nghìn mắt nghìn tay" được tạc ở nhiều nước, nhưng tác phẩm do nhà điêu khắc thiên tài Trương Thọ Nam sáng tác có nội dung hoàn chỉnh bậc nhất về thế giới quan và nhân sinh quan theo quan điểm Phật giáo truyền thống, có hình thức nghệ thuật đạt được sự hoàn mỹ tuyệt vời. Pho tượng này đã đạt giải đặc biệt khi tham gia triển lãm nghệ thuật Phật giáo Quốc tế tại Ấn Độ năm 1958.

Phật giáo Nam truyền

Angkor, tk. 12.

Ayutthaya, tk. 14-15.

Phật giáo được truyền sang Tích Lan vào thế kỉ thứ 3 TCN, và trong thiên niên kỉ đầu đã được truyền từ Ấn Độ đến các nước Đông Nam Á khác dọc theo đường biển từ Ấn Độ đến Trung Quốc. Đại thừa - ban đầu là tông phái chủ yếu ở đó - cũng như Thượng toạ bộ và Ấn Độ giáo đều có tín đồ ở Pagan (Miến Điện), Thái Lan hiện nay, Campuchia trước đây (Vương quốc Phù Nam), Việt Nam (Champa) và Indonesia. Trong khi Hồi giáo chiếm chỗ Phật giáo tại Indonesia và bán đảo Mã Lai thì khoảng giữa thiên niên kỉ thứ hai, Thượng toạ bộ có gốc từ Tích Lan trở thành tông phái chính tại Đông Nam Á. Cùng với những hệ thống tôn giáo Ấn Độ, ngôn ngữ và chữ viết (tiếng Phạn, tiếng Pali, chữ Thiên thành,...) cũng như các sắc thái nghệ thuật của tiểu lục địa Ấn Độ đã được phổ biến tại Đông Nam Á. Mối quan hệ trực tiếp với các thương gia và học giả từ các khu vực Ấn Độ sau hơn 1.000 năm đã gây ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển văn hóa tại Đông Nam Á, nhưng mặt khác, các nền văn hóa tại đây cũng đã phát triển những phong cách, những truyền thống rất đặc thù để lưu lại đời sau.


Thế kỉ 1 đến thế kỉ 8: Trong thời gian này, các vương quốc lớn đầu tiên xuất hiện tại Đông Nam Á. Vương quốc Phù Nam được thành lập trên khu vực miền Nam Việt Nam và miền Đông Nam Campuchia. Về hướng Tây, khu vực Miến Điện bây giờ và vùng đất phía sau là vương quốc Môn. Các vương quốc này chịu ảnh hưởng của vương triều Cấp-đa. Ngoài những đồ tượng được tìm thấy (tượng Phật, bài vị thờ cúng) và những bia văn được viết bằng tiếng Phạn, người ta còn tìm thấy nhiều tranh tượng của các thần thể Ấn Độ giáo trong khu vực này.


Thế kỉ 9 đến thế kỉ 13: Vào khoảng thế kỉ thứ 9, trên các đảo miền Tây của Indonesia hiện nay xuất hiện hai vương quốc Sri VijayaSailendra. Hai vương triều này đã sản sinh nhiều tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo (xem Borobudur). Ở miền Bắc, vùng đại lục, thì vương quốc Khmer tại Angkor trở thành một vương quốc hùng mạnh, đứng ngang hàng với vương quốc Champa nằm phía Đông. Vương quốc Angkor và Champa ban đầu mang đậm sắc thái Ấn Độ giáo, nhưng lại có tính dung hòa, tìm cách kết hợp những thành phần Ấn giáo, Phật giáo và các truyền thống bản xứ. Cả hai đều phát triển những phong cách nghệ thuật giống nhau, có thể được kiểm nhận qua những công trình kiến trúc còn tồn tại. Vào cuối thời kì này, tất cả những vương quốc nêu trên đều chuyển sang Đại thừa Phật giáo, nhưng cuối cùng, kể từ thế kỉ 13 thì Thượng toạ bộ lại trở thành tông phái chủ yếu. Ngay những vương quốc mới phát sinh của dân tộc Thái là (Sukhothai và sau đó là Ayutthaya) phía Tây Angkor cũng lấy Thượng toạ bộ làm tông chỉ.

Từ thế kỉ 14: Trong khi Hồi giáo chiếm chỗ Phật giáo và Ấn Độ giáo gần như toàn vẹn ở những miền phía Nam của Malaysia, ở IndonesiaPhilippines thì Phật giáo Thượng toạ bộ trên châu lục vẫn là tôn giáo chủ yếu, ngày càng được phát triển và phổ biến (Campuchia, Lào, Thái Lan, Miến Điện).

Tích Lan

Dagoba tại Colombo, Tích Lan

Bên trong "Chùa Răng Phật" (Dalada Maligava) tại Kandy, Tích Lan

Khi ảnh hưởng Phật giáo tại Ấn Độ giảm dần, vào khoảng cuối vương triều Cấp-đa, thì Thượng toạ bộ đã đạt vị trí vững chắc tại Tích Lan từ nhiều thế kỉ và cũng đã ảnh hưởng lớn đến nền văn hóa và nghệ thuật xứ này. Nơi đây, Xá-lợi đóng một vai trò đặc biệt trong truyền thống tín ngưỡng, ví dụ như một chiếc răng của Phật được bảo tồn trong tại Dalada Maligava, "Chùa Răng Phật", hoặc cây Bồ-đề trong một tự viện ở cố đô Anuradhapura, được xem là phát sinh từ một nhánh của cây bồ-đề mẹ tại Bồ-đề đạo trường (bodhgayā), nơi Phật Thích-ca thành đạo. Một thành phần mới xuất hiện trong lĩnh vực kiến trúc Phật giáo Tích Lan: Bodhighara, "đền thờ cây bồ-đề" và Āsanaghara, "đền thờ chỗ ngồi của Phật". Thay vì tôn xưng cây bồ-đề một cách trừu tượng như tại Ấn Độ thì giờ đây, một cây bồ-đề sống được tôn thờ ngay giữa Bodhi-Ghara.


Một trong những phát triển quan trọng nhất của nghệ thuật tôn giáo Ấn Độ là việc tiếp tục phát triển kiến trúc tháp-bà. Nguyên có dạng vòm cung bán nguyệt, giờ đây các bảo tháp được kéo dài lên trên, có hình chuông và được gọi là Dāgäba (thường được phát âm như Dagoba; nguyên là từ gốc Tích Lan, xuất phát bởi hai từ tiếng Phạndhātu, garbha). Các nghệ nhân không chạm trổ bên ngoài và trang trí các cổng đi vào như người Ấn, qua đó họ đề cao cao vẻ đẹp tổng thể giản dị của bảo tháp. Cùng với Thượng toạ bộ, kiến trúc bảo tháp của Tích Lan được phổ biến khắp Đông Nam Á và được xem là mô hình kiến trúc cho các Chedi tại Thái Lan và That tại Lào.


Người ta có thể tìm thấy những nét điêu khắc rất tinh tế trên những "nguyệt thạch", là các viên đá mỏng hình bán nguyệt được xếp đặt theo hình vòng cung trước ngưỡng cửa ra vào của các tự viện. Chúng cho thấy nhiều mô típ được chạm trổ rất đẹp và công phu như hoa, thực vật (sen, chùm nho, hoa, lá...) và thú vật (, voi, sư tử, ngan...). Ý nghĩa của chúng là cho người bước lên cảm nhận được sự biến chuyển trọng đại khi họ bước qua ngưỡng cửa vào chùa, đi vào một cõi nội tâm thanh tịnh sau khi gác qua thế giới hiện hữu với tất cả những gì hệ thuộc.
Tượng Phật tại Tích Lan chịu ảnh hưởng của nghệ thuật A-ma-la-bà-đềCấp-đa; Phật thường được trình bày dưới dạng ngồi thiền (thế ngồi Kết già phu toạ, hai tai xếp lại dưới rốn), nhưng cũng có lúc ngài nằm bên phải, miêu tả thời điểm ngài nhập Niết-bàn

Miến Điện

Là láng giềng của Ấn Độ nên các khu vực của Miến Điện hiện nay đã sớm chịu ảnh hưởng của xứ này. Theo truyền thuyết thì người Môn, vốn cư trú từ khu vực biển Andaman phía Nam cho đến miền Bắc lấn tới vùng núi thuộc Thái Lan hiện nay, đã tiếp xúc với Phật giáo trong thế kỉ thứ 3 TCN qua sứ giả truyền giáo của vua A-dục. Các ngôi chùa cổ nhất ở đây được kiến lập từ thế kỉ 1-5. Nghệ thuật Phật giáo của người Môn chịu ảnh hưởng của phong cách Cấp-đa và những thời đại kế thừa. Cùng với việc di cư khắp vùng Đông Nam Á của người Môn thì phong cách nghệ thuật Môn cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến truyền thống của những nơi họ đến. Có hàng nghìn bảo tháp và tự viện đã được kiến tạo tại vương quốc Pagan từ thế kỉ 11 đến 13 và trong đó, trên 2000 di tích vẫn còn tồn tại đến ngày nay. Các viện bảo tàng tại YangoonMandalay vẫn còn bảo tồn nhiều bức tượng được trang trí và mạ vàng rất tinh vi được kiến tạo trong thời kì này hoặc thậm chí trễ hơn nữa, sau khi Pagan bị quân Mông Cổ xâm chiếm (1287).

Indonesia

 
Borobudur, tk. 9
Borobudur nhìn từ xa

Từ thế kỉ 1, các nền văn minh Indonesia đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo Ấn Độ (đặc biệt là hai đảo lớn JavaBali) và chúng sau này cũng ảnh hưởng đến nghệ thuật tạo hình của Đông Nam Á đại lục (kiến trúc, điêu khắc)

Trong khi các vương quốc tại Đông Nam Á lục địa như như Phù Nam và Angkor theo Ấn Độ giáo thì tại Indonesia, trung tâm Bali, vương quốc Phật giáo Sri Vijaya (~tk. 8 đến tk. 13) được hình thành. Vương quốc biển với khu vực cai trị lan rộng đến bán đảo Mã Lai này đã tiếp thụ truyền thống Đại thừaKim cương thừa dưới triều đại Sailendra. Những di tích quan trọng nhất của nghệ thuật Phật giáo Indonesia là hệ thống tự viện Phật giáo lớn nhất thế giới, được kiến lập trên một hòn núi tại Borobudur, và một bức tượng trình bày Bồ Tát Bát-nhã-ba-la-mật-đa rất đặc sắc.

Campuchia

Gương mặt của Quán Thế Âm Bồ Tát được tạc trên các tháp tại đền Bayon tại Angkor, thế kỷ 12
Vào khoảng thế kỉ 1, một trong những vương quốc tồn tại sớm nhất tại Đông Nam Á đã ra đời trên khu vực Nam Việt Nam hiện nay và Campuchia, đó là Phù Nam. Vào thời hưng thịnh, biên giới phía Tây vương quốc này là Miến Điện và phía Nam là Mã Lai. Phù Nam là vương quốc sống bằng thương mại và nằm trên tuyến đường biển giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Ấn Độ đặc biệt đã gây ảnh hưởng lớn: chữ viết, tôn giáo và nghệ thuật được tiếp nhận và cùng với sự hòa hợp với truyền thống bản xứ, nhiều phong cách biểu đạt đã phát sinh. Khác với trường hợp Phật giáo Bắc truyền, tư tưởng và nghệ thuật Phật giáo du nhập Đông Nam Á trực tiếp từ Ấn Độ bằng đường biển. Mặc dù Ấn Độ giáo là tôn giáo chủ yếu trong một thời gian dài, nhưng Phật giáo Đại thừa từ ban đầu cũng đã có nhiều tín đồ.
Đền Bayon tại Angkor, thế kỷ 12

Trong thế kỉ thứ 9, vương quốc Khmer xuất hiện trên khu vực Angkor, thừa kế vương quốc Phù Nam. Nơi đây, thần Thấp-bà (sa. śiva) và Tì-thấp-nô (sa. viṣṇu, là vị thần chính được tôn xưng tại di tích nghệ thuật Angkor Wat) là hai vị được tôn thờ nhiều nhất. Từ thế kỉ 12 trở đi, Phật giáo hưng thịnh dưới sự cai trị của vua Jayavarman VII. Nhiều công trình kiến trúc được thực hiện như đền Bayon với nhiều rất nhiều tháp nhỏ hệ thuộc và mỗi tháp đều được chạm khắc khuôn mặt Bồ Tát Quán Thế Âm (sa. avalokiteśvara) với chiều cao vài thước (ở đây được gọi là Lokeśvara, là Thế tự tại chủ, "đấng tự tại trên thế gian"), hoặc Đại học Phật giáo Ta Prohm được phụng hiến cho Bồ Tát Bát-nhã-ba-la-mật-đa. Nghệ thuật Khmer được phổ biến qua sự bành trướng của vương quốc Khmer trên các khu vực Đông Nam Á, trở thành phong cách tiêu chuẩn cho nghệ thuật Phật giáo Thái Lan, Lào và Champa (Việt Nam).

 Đặc điểm của tranh tượng Phật giáo tại Angkor là gương mặt thoát li thế gian của các vị Phật, các vị Bồ Tát cũng như tính rõ ràng của các nét thẳng không được trang trí như có thể thấy được tại Trung Quốc. Trong lúc giao thời của thế kỉ 13 và 14 thì Śrīndravarman lên trị vì, và ông cũng là quốc vương Khmer đầu tiên theo Phật giáo Nam tông là Thượng toạ bộ. Đồng thời, vương quốc Angkor cũng dần dần mất vai trò chủ yếu trên khu vực này, cũng một phần vì các vương quốc Thái phương Tây ngày càng lớn mạnh. Sự biến đổi này cũng để lại dấu tích trong nghệ thuật. Các công trình tự viện lớn đều bị đình chỉ và hình tượng Bồ Tát Quán Thế Âm được ưa chuộng trước đây giờ bị rơi vào lãng quên. Tượng Phật còn được tạo, nhưng chỉ được đúc bằng đồng hoặc vàng, không còn được tạc bằng đá. Về mặt phong cách thì các tượng Phật này giống các tượng tại Lào và Thái vốn có truyền thống theo Thượng toạ bộ: tượng thon, thanh nhã với những nét rõ ràng mạch lạc. Phong cách nghệ thuật này được xem là dấu ấn của nghệ thuật tôn giáo Campuchia cho đến ngày nay.

Thái Lan và Lào

Tháp Vàng,

Bangkok,Thái Lan
Sukhothai, tk. 14

Sukhothai, tk. 14

Trong những vương quốc cổ trên địa phận Thái Lan hiện nay, đặc biệt là các vương quốc được dân tộc Môn sáng lập, đã có sự giao lưu văn hóa với Ấn Độ trên cơ sở thương mại. Tương tự trường hợp Miến Điện, nghệ thuật nơi đây chịu ảnh hưởng của thời đại Cấp-đa tại Ấn Độ. Một số hình tượng và kiến trúc đặc sắc được kiến tạo, ví dụ như bảo tháp (Chedi) của Nakhon Pathom, cao 127m, được xem là kiến trúc Phật giáo cao nhất thế giới.

Từ thế kỉ thứ 9 trở đi thì các truyền thống nghệ thuật Thái chịu ảnh hưởng của các vương quốc láng giềng như Angkor miền Đông và Sri Vijaya ở miền Nam. Trong thời gian này, Phật giáo Đại thừa là giáo lí chính, được thể hiện qua nhiều hình tượng của các vị Bồ Tát khác nhau.

Đầu thế kỉ 13, Thượng toạ bộ gốc Tích Lan lại được phổ biến và dần dần nắm ưu thế, tương tự như ở một số quốc gia khác thuộc khu vực Đông Nam Á. Đồng thời, vương quốc Sukhothai được kiến lập. Về mặt nghệ thuật thì người ta thấy được một sự chuyển biến từ phong cách giống nghệ thuật Khmer đến một phong cách biểu đạt rõ ràng, ít rườm rà, thậm chí có tính chất hình học trừu tượng. Các tượng Phật được biểu hiện với những sắc thái thanh nhã, trôi chảy, với pháp y trông như trong suốt và đầu hình oval với đỉnh đầu là một ngọn lửa (sa. ketumālā). Trong triều đại kế đến là Ayutthaya (tk. 14-18) thì mô típ này càng được trau chuốt tinh tế hơn, nhiều hình tượng thường được mạ vàng và được chạm gắn với đá quý. Thời kì này được xem là thời kì kiến lập phong cách và gây ảnh hưởng đến ngày nay. Một điểm đặc biệt của nghệ thuật Phật giáo Thái Lan là miêu tả Phật đang đi trong tranh tượng.

Sự xuất hiện và phát triển của nghệ thuật Phật giáo tại Lào có mối tương quan mật thiết với các vương quốc Thái láng giềng. Vật liệu được dùng cho các công trình kiến trúc và điêu khắc là gỗ, thường được sơn và vẽ. Đến thế kỉ thứ 15 thì các tác phẩm nghệ thuật ở đây rất giống các tác phẩm của Sukhothai. Nhưng kể từ thế kỉ 16 trở đi thì một phong cách đặc thù được xác lập: tượng Phật ngày càng thon dần với tay chân rất dài[cần dẫn nguồn].

Nghệ thuật Phật giáo đương đại

Tây Tạng, tk. 20

Nhìn chung việc sáng tạo chân dung, tranh, đồ tế lễ hoặc công trình kiến trúc ở các nước châu Á, nơi phần lớn có hơn ngàn năm văn hóa phật giáo, thường mang đậm dấu ấn truyền thống. Những đặc điểm chân dung của Đức Phật như tư thế cơ thể và các thủ ấn (sa. mudrā), một số chi tiết nhỏ như đôi tai và kiểu tóc cũng như các biểu tượng (bồ-đề thụ, liên hoa, pháp luân…) đều mang ý nghĩa tôn giáo thiêng liêng và hình thức biểu đạt không thay đổi. Các tác phẩm tranh tượng mới đều tuân theo những khuôn mẫu truyền thống, trong đó những yếu tố mang tính tượng trưng vốn đã có sẵn đóng vai trò chủ đạo chứ không phải là sự biểu đạt nghệ thuật mang dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ.

Bên cạnh nền nghệ thuật truyền thống này, nhiều phương thức biểu đạt hiện đại cũng đã phát sinh thông qua sự tiếp xúc với nền văn hóa Tây phương. Đặc biệt ở các nước như Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc hay Indonesia (Bali), nơi có sự giao lưu mạnh mẽ với các nền văn hóa Tây phương, các nghệ nhân lấy những mô típ có gốc từ hệ thống đồ giải Phật giáo, kết hợp nó một phần với các phương thức biểu đạt nghệ thuật Tây phương, một phần với sự phát triển kế thừa của phong cách nghệ thuật của địa phương. Qua đó, hình thái nghệ thuật này đã tạo nên được những tác phẩm nghệ thuật Phật giáo mới mẻ và hiện đại. Tuy nhiên, những tác phẩm mới này gần như luôn luôn chỉ là "nghệ thuật thuần túy", dĩ nhiên có nền tảng tôn giáo nhưng thường là để "trang trí" chứ không phải được tạo ra để phục vụ thực hành tín ngưỡng. Trong các tác phẩm nghệ thuật này, ở cả mảng điêu khắc lẫn hội họa, chân dung của Đức Phật, các biểu trưng Phật giáo hoặc các bức tượng được vẽ lại nhưng khuynh hướng sáng tác vị nghệ thuật cao hơn mục đích tôn giáo.

Phật giáo từ thế kỷ thứ 12 đã biến mất khỏi Ấn Độ, ngoại trừ một số khu vực trong dãy Himalaya. Mãi cho đến khi chính quyền thực dân Anh quan tâm đến các ngôi chùa phần lớn đã đổ nát hoang tàn này, người ta đã phát hiện và bắt đầu công việc trùng tu các chùa (tại Kiến-chí (kāñcī), A-chiên-đà (ajantā), chùa Đại Bồ-đề tại Bồ-đề đạo trường (bodhgayā)). Giữa thế kỷ 20 những người ủng hộ nhà cải cách Bhimrao Ramji Ambedkar (Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên của đất nước Ấn Độ độc lập - người đã tuyên truyền rằng việc cải đạo sang Phật giáo là con đường giải thoát cho tầng lớp khốn cùng - Dalit - hay còn gọi là những người không được xếp vào tầng lớp nào trong xã hội) đã làm hồi sinh lại truyền thống đã và đang tiếp tục bị lãng quên.

Cùng với phong trào này là sự bắt đầu các phương thức nhân bản và ghi lại các chân dung cổ của Đức Phật phục vụ cho mục đích thực hành tín ngưỡng. Tương tự, tại một số nước Phật giáo khác, đặc biệt là Nhật, Tây Tạng, Tích Lan (śrīlaṅkā) và Thái Lan, các phật tử dùng tranh tượng cúng dường để trang trí các chùa chiền mới được dựng theo mô hình kiến trúc cũ. Bên cạnh đó, ngay chính ở Ấn Độ việc vẽ các chân dung Phật cũng được bắt đầu khôi phục trở lại[cần dẫn nguồn]. Vì nền văn hóa Phật giáo mới của Ấn Độ còn tương đối non trẻ nên chưa có chuẩn tắc đồ giải (Ikonographie) đậm nét nào hình thành. Do đó, phong cách và các đặc trưng truyền thống được pha lẫn với phương thức biểu đạt đầy màu sắc của nghệ thuật thường nhật của Ấn Độ giáo tại đất nước này.

Video


bo.: Bod skad བོད་སྐད་, tiếng Tây Tạng | ja.: 日本語 tiếng Nhật | ko.: 한국어, tiếng Hàn Quốc |
pi.: Pāli, tiếng Pali | sa.: Sanskrit संस्कृतम्, tiếng Phạn | zh.: 中文 chữ Hán

Tài liệu tham khảo

(Wikipedia)


TIẾT II. CÁC THỦ ẤN  TRONG ĐẠO PHẬT

Trong Phật giáoẤn Độ giáo, Ấn (zh. 印; mudrā, bo. phyag rgya ཕྱག་རྒྱ་) là một dấu hiệu thân thể.
Trong tranh tượng, các đức Phật thường được trình bày với một kiểu tay đặc biệt, vừa là một cử chỉ tự nhiên, vừa là một dấu hiệu của tính chất Phật (Phật tính). Trong Đại thừa, các Thủ ấn chỉ các ấn nơi tay, đều tương ứng với các ý nghĩa đặc biệt, đối lập với Khế ấn là những tư thế khác như cầm ngọc, tọa thiền... Đặc biệt, trong các tông phái như Thiên Thai tông, Kim cương thừa, các ấn này thường đi đôi với Man-tra. Ngoài ra, các ấn này giúp hành giả chứng được các cấp tâm thức nội tại, bằng cách giữ vững những vị trí thân thể nhất định và tạo mối liên hệ giữa hành giả với các vị Phật hoặc Đạo sư trong lúc hành trì một Thành tựu pháp (sa. sādhana).

Các ấn quan trọng nhất

Có 10 ấn quan trọng nhất.

Ấn thiền (sa. dhyāni-mudrā)




Hai bàn tay trong ấn thiền của tượng Phật A Di Đà tại Kotokuin, Nhật Bản
Trong ấn này, lưng bàn tay mặt để trên lòng bàn tay trái, hai ngón cái chạm nhau. Hai bàn tay để trên lòng, ngang bụng. Bàn tay mặt phía trên tượng trưng cho tâm thức giác ngộ, bàn tay trái phía dưới tượng trưng thế giới hiện tượng. Ấn quyết này biểu lộ sự giác ngộ đã vượt lên thế giới hiện tượng, nó cũng biểu lộ tâm thức giác ngộ đã vượt qua tâm thức phân biệt, trong đó Luân hồi hay Niết-bàn chỉ là một.
Ấn thiền có một dạng khác, trong đó các ngón tay giữa, ngón đeo nhẫn và ngón út của hai bàn tay nằm lên nhau, ngón cái và ngón trỏ mỗi tay tạo thành hai vòng tròn chạm nhau, hai vòng tròn đó biểu tượng thế giới chân như và thế giới hiện tượng. Ấn này hay được tạo hình nơi tranh tượng của Phật A-di-đà và hay được gọi là Ấn thiền A-di-đà. Trong Thiền tông, thiền giả lại để bàn tay trái trên bàn tay mặt lúc tọa thiền. Điều này thể hiện thân trái (tĩnh) nằm trên thân phải (động), nhằm chỉ rõ thái độ trầm lắng của Thiền tông.

Ấn giáo hóa (sa. vitarka-mudrā)




Ấn giáo hóa
Khi làm ấn này, tay mặt chỉ lên, tay trái chỉ xuống, hai lòng bàn tay chỉ tới trước. Trong mỗi tay, ngón trỏ và ngón cái chạm nhau, làm vòng tròn. Bàn tai mặt đưa ngang vai, bàn tay trái ngang bụng. Trong một dạng khác của ấn giáo hóa, lòng bàn tay trái hướng lên, để ngang bụng, tay mặt ngang vai, ngón tay trỏ và tay cái làm hình tròn. Trong một dạng khác thì ngón trỏ và ngón út duỗi thẳng, ngón giữa và đeo nhẫn co lại. Lòng bàn tay trái hướng lên, tay mặt hướng xuống. Người ta hay bắt gặp ấn giáo hóa nơi tranh tượng Phật A-di-đà, có khi nơi Phật Đại Nhật (sa. mahāvairocana).

Ấn chuyển pháp luân (sa. dharmacakrapravartana-mudrā)



Tượng Phật Thích Ca cho thấy ấn chuyển pháp luân
Với ấn chuyển pháp luân, tay trái hướng vào thân, tay mặt hướng ra. Trong mỗi tay, ngón trỏ và ngón cái chạm nhau thành vòng tròn, hai vòng tròn đó chạm nhau. Người ta hay thấy ấn chuyển pháp luân nơi tranh tượng của Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, Phật Đại NhậtPhật Di-lặc.

Ấn xúc địa (sa. bhūmisparśa-mudrā)

Trong ấn xúc địa, tay trái hướng lên, đặt ngang bụng, tay mặt chỉ xuống, lưng tay mặt xoay tới trước. Đó là ấn quyết mà đức Thích Ca gọi thổ địa chứng minh mình đạt Phật quả và cũng là dấu hiệu của sự không lay chuyển, vì vậy Phật Bất Động (Akṣobhya) cũng hay được trình bày với ấn này.

Ấn vô úy (sa. abhaya-mudrā)

Trong ấn này, tay mặt với các ngón tay duỗi ra chỉ về phía trước, ngang tầm vai. Đây là ấn quyết mà Phật Thích Ca sử dụng ngay sau khi đắc đạo. Phật Bất Không Thành Tựu (sa. amoghasiddhi) cũng hay được trình bày với ấn này.

Ấn thí nguyện (sa. varada-mudrā)


Bài chi tiết: Ấn thí nguyện
Ấn thí nguyện cũng được gọi là Dữ nguyện ấn hay Thí dữ ấn. Thí nguyện là cho phép được toại nguyện, lòng tay mặt hướng về phía trước, bàn tay chỉ xuống. Nếu ở tượng Phật Thích Ca là đó biểu hiện gọi trời (xem ấn xúc địa) chứng minh Phật quả. Phật Bảo Sinh (sa. ratnasambhava) cũng hay được diễn tả với ấn quyết này. Trong một dạng khác, ngón trỏ và ngón cái chạm nhau thành vòng tròn. Ấn vô úy và ấn thí nguyện hay được trình bày chung trong một tranh tượng. Thường tay mặt bắt ấn vô úy, tay trái ấn thí nguyện. Tượng đứng của các vị Phật hay có hai ấn này.

Ấn tối thượng bồ-đề (sa. uttarabodhi-mudrā)

Khi thực hiện ấn này, hai bàn tay chắp ngang ngực, hai ngón trỏ duỗi thẳng chạm vào nhau, như mũi nhọn của một Kim cương chử. Các ngón khác lồng vào nhau, hai ngón cái chạm nhau hay để lên nhau. Tranh tượng của Phật Đại Nhật hay được trình bày với ấn này.

Ấn trí huệ vô thượng (sa. bodhyagri-mudrā)

Ấn này đòi hỏi ngón tay trỏ của bàn tay mặt được năm ngón kia của tay trái nắm lấy. Ấn này người ta hay thấy nơi Phật Đại Nhật. Trong Mật tông có nhiều cách giải thích ấn này, nhưng nói chung một ngón tay chỉ rõ sự nhất thể của vạn sự và năm ngón kia chỉ tướng trạng vô cùng của thế giới hiện tượng.

Ấn hiệp chưởng (sa. añjali-mudrā)

Với ấn này, hai bàn tay chắp trước ngực, được sử dụng để tán thán, ca ngợi, và cũng là cử chỉ chào hỏi thông thường tại Ấn Độ. Với dạng ấn, hai bàn tay chắp lại chỉ Chân như. Trong các tranh tượng, Phật và các vị Bồ Tát không bao giờ được trình bày với ấn này vì trong Ba thế giới, không có ai vượt ngoài trí huệ của chư vị và vì vậy, chư vị không cần phải tán thán ai cả.

Ấn kim cương hiệp chưởng (sa. vajrapradama-mudrā)



Ấn kim cương hiệp chưởng
  Khi làm ấn này, đầu ngón tay của hai bàn tay chắp vào nhau. Ấn này là biểu hiện của tín tâm bất động, vững chắc như Kim cương (sa. vajra).(WIKIPEDIA)

CÁC THỦ ẤN TRONG CÁC TƯỢNG PHẬT Ở THÁI LAN

Phật giáo hình thành ở Ấn Độ hơn hai ngàn năm trước đây. Từ Ấn Độ, Phật giáo được truyền bá khắp nơi trên thế giới. Văn hóa Phật giáo được các quốc gia hấp thu một cách uyển chuyển không hề áp đặt một cách cứng nhắc. Vì vậy, Phật giáo Thái Lan không giống với Phật giáo Ấn Độ. Điều này thể hiện rõ ở các thủ ấn (cử chỉ của tay) trên các pho tượng Phật ở Thái Lan.
Phật giáo hình thành ở Ấn Độ hơn hai ngàn năm trước đây. Từ Ấn Độ, Phật giáo được truyền bá khắp nơi trên thế giới. Văn hóa Phật giáo được các quốc gia hấp thu một cách uyển chuyển không hề áp đặt một cách cứng nhắc. Vì vậy, Phật giáo Thái Lan không giống với Phật giáo Ấn Độ. Điều này thể hiện rõ ở các thủ ấn (cử chỉ của tay) trên các pho tượng Phật ở Thái Lan. Có rất nhiều các thủ ấn khác nhau, nhưng có một thủ ấn rất đặc biệt ở Thái Lan đó là thủ ấn tượng Phật nằm. Ngoài thủ ấn này, còn có 6 thủ ấn chính khác nữa ở tượng Phật Thái Lan.

1. Thiền ấn (pang sa-maa-ti hay dhyana mudra)




Cử chỉ này thường thấy ở các tượng Phật ngồi. Lòng bàn tay Phật ngửa lên đặt ngay ngắn trong lòng. Tư thế này cho thấy Phật đang tập trung tinh thần nhiếp phục thân tâm.

2. Thí vô úy ấn (pang bpra-taan a-pi hay abhaya mudra)


Khi bàn tay Phật thể hiện động tác này cho thấy Đức Phật không hề sợ hãi trước một kẻ thù hay nghịch cảnh. Tư thế này thường thấy ở cả tượng Phật đứng và tượng Phật ngồi. Có hai biến thể. Một trong các biến thể là cánh tay cong ở cả cổ tay và khuỷu tay. Các ngón tay chỉ lên trên và lòng bàn tay hướng ra ngoài. Trường hợp nếu là cánh tay phải thì có nghĩa là điều phục thú dữ. Nếu là cả hai tay thì có nghĩa là nghiêm cấm thân nhân.

3. Thí nguyện ấn (pang bpra-taa pon hay varada mudra)




Tay phải của Đức Phật chỉ xuống với lòng bàn tay phải hướng về phía trước và các ngón tay mở rộng. Tư thế này thường được thấy trên tượng Phật đứng khi đang cho hoặc nhận của bố thí.

4. Xúc địa ấn ( pang maa-ra-wi-chai hay bhumisparsa mudra)




Trong nghệ thuật tượng Phật Thái tư thế này được gọi là Đức Phật điều phục Mara (Ma vương). Mara là một con quỷ cám dỗ Đức Phật. Tay phải của Phật được đặt trên cẳng chân trong trạng thái chạm vào Trái đất, đôi khi chỉ là tượng trưng. Đây là tư thế thường thấy nhất.

5. Chuyển pháp luân ấn (dharmacakrapravartana mudra)




Ngón tay trỏ và ngón tay cái của mỗi bàn tay chạm vào nhau. Các ngón của bàn tay trái chạm vào lòng bàn tay phải. Đây là một tư thế rất hiếm gặp. Tư thế này nói lên việc Đức Phật chuyển bánh xe pháp với bài pháp đầu tiên của mình.

6. Giáo hóa ấn (vitarka mudra)



Ngón tay cái và ngón tay trỏ, thường là ở bàn tay phải chạm vào nhau, các ngón còn lại hướng lên trên. Cánh tay cong nơi khuỷu tay và cổ tay. Điều này được xem như lời kêu gọi hòa bình. Đức Phật đang nhằm kêu gọi mọi người hãy giải quyết các vấn đề thông qua tư duy lôgic và lý luận

TÁC DỤNG CÁC THỦ ẤN

Ấn quyết là sự chứng nghiệm của cổ nhân để lại ; trong khi luyện tập , dùng hai bàn tay để bắt ấn , thì ta sẽ chứng nghiệm và cảm nhận được luồng khí lực , được phát ra rất mạnh từ hai bàn tay , và ta chỉ cần luyện tập trong một khoảng thời gian ngắn là có thể đạt được hiệu quả .
Dùng phương pháp Tam Mật Tương Ứng , mà hằng tâm tập luyện , các ấn quyết một cách tuần tự , chỉ trong một thời gian tập luyện liên tục ; đến khi khí lực trong cơ thể , đã nhờ sự tập luyện , mà tích tụ đầy đủ mạnh ; thì ta có thể vận dụng làm chuyển động toàn khí lực , trong toàn thân ra ngoài hai bàn tay đang bắt ấn quyết , sẽ khiến ấn quyết đang bắt , sẽ phát ra một luồng khí quang sáng rực.
Sau đây là sự liên hệ giữa thủ ấn và kinh mạch :

Bàn tay trái gọi là Thiện Niệm Thủ , còn gọi là Chỉ thủ – bàn tay đình chỉ , ngưng – hay còn gọi là Tam muội Thủ . Bàn tay mặt gọi là Bi Niệm thủ , còn có tên là Quán thủ , Bát Nhả . Mổi bàn tay gọi là Kim Cang Chưởng . Mười ngón tay thường được gọi là Thập Luân Viên Mản , lại còn có tên là Thập Độ , Thập Địa , Thập Giới , Thập Ba La Mật ; Mười đầu ngón tay được gọi là Thập Ba La Mật Phong – tức là mười đỉnh của mười ngọn núi cao . Ngón cái tay trái có tên gọi là Trí , ngón trỏ là Lực , ngón giữa là Nguyện , ngón áp út là Phương , ngón út là Huệ . Ngón cái tay mặt là Thiền , ngón trỏ là Tiến , ngón giữa là Nhẩn , ngón áp út là Giới , ngón út là Thí .
Sau khi luyện tập thủ ấn , đã phát động được nội khí , ta có thể vận động 10 ngón tay và 10 ngón chân , để nội khí trong 12 kinh mạch và kỳ kinh bát mạch , được vận hành , khiến cho khí huyết trong cơ thể được lưu thông tốt , đẩy mạnh quá trình biến dưởng , thông qua đó giúp cho cơ thể chống được bệnh tật và sự tấn công của ngoại giới .


Sự lay động các ngón tay ,hay sự khâu vòng các ngón tay lại với nhau , có thể làm cho nội khí vận hành trong cơ thể , sản sinh ra sự kích động , làm cho cơ thể tự rung động , ngả nghiêng và kích động mảnh liệt .
Trong lúc luyện công bắt ấn , các luồng khí lực trong cơ thể , được phát ra theo đầu các ngón tay như sau :
- Ngón cái phát ra khí lực của Thái Âm Phế kinh.
- Ngón trỏ phát ra khí lực của Dương minh Đại Trường Kinh .
- Ngón giữa phát ra khí lực của kinh tâm Bào Lạc .
- Ngón út phát ra khí lực của Tiểu Trường Kinh và Tâm Kinh .
Trong lúc luyện công bắt ấn , các luồng khí lực trong cơ thể , được phát ra theo đầu các ngón chân như sau :
- Ngón chân cái phát ra khí lực của Tỳ Kinh.
- Ngón chân trỏ phát ra khí lực của Can Kinh.
- Ngón chân giữa phát ra khí lực của Vị Kinh.
- Ngón chân áp út phát ra khí lực của Đảm Kinh .

Thủ Ấn là chỉ cho các kiểu bắt xếp của các ngón tay (ấn kết). ‘Ấn’ là dịch từ tiếng Phạn ‘Mudra’ qua tiếng Hán, tiếng Hán dịch còn phiên âm là “母多罗” (mẫu-đà-la) là một kiểu ký hiệu được xem là bí  mật với nhiều ý nghĩa khác nhau trong Phật giáo.


Ấn, có hai cách biểu tượng nghĩa khác nhau đó là “hữu tướng” và “vô tướng”. Hữu tướng Ấn là dùng sắc thái, hình trạng, tư thái để biểu hiện; vô tướng Ấn là thể hiện, truyền đạt qua ý nghĩa, chân ý.
Các kiểu ấn thường thấy: Ấn khi thuyết Phật, Ấn vô úy (không sợ hãi), Ấn nguyện, Ấn hàng ma, Ấn thiền định…các thủ ấn này thường thấy ở Đức Phật Thích Ca (gọi là Thích Ca Ngũ Ấn).
Ngoài ra, Thủ Ấn còn có rất nhiều kiểu khác nhau mà đặc biệt Phật Giáo Mật Tông được xêm như hệ thống đầy đủ nhất các thủ Ấn Phật giáo
T.T Sưu tầm

Ấn Thiền Định
Ấn Hoa Sen
Ấn Thuyết pháp
Ấn Bồ-tát Phổ Hiền (Lục Tự Nghĩa Thù)
Ấn Kim Cang
http://tuvienhuequang.com/phat-


Bộ tranh thủ ấn Phật giáo (Phật ấn)
-----------------------------------------

 Tham khảo Ba mươi sáu ấn Mật Tông

Các 36 Ấn Quyết Mật Tông
được hướng dẫn qua Video
Phần 1

http://ue.vnweblogs.com/gallery/18513/HV_01.gif
Sở học thì mênh mông, trên đây chỉ là những hiểu biết hãy còn sơ đẳng, thô thiển hãy còn thiếu sót do tại hạ cóp nhặt từ nhiều nguồn để trình bày lại để chia xẻ cùng anh chị em. Nay tại hạ tập trung thời gian vào thiền định là chánh, nên chuyển lại những gì dưới đây cho những ai quan tâm trong tu luyện của mình. Xin cảm ơn. Quang Võ
Trong học thuật Phật giáo và Ấn Độ giáo, Ấn (zh. ; mudrā, bo. phyag rgya ཕྱག་རྒྱ) là một dấu hiệu thân thể.
altTrong tranh tượng, các đức Phật thường được trình bày với một kiểu tay đặc biệt, vừa là một cử chỉ tự nhiên, vừa là một dấu hiệu của tính chất Phật (Phật tính).
Trong Đại thừa, các Thủ ấn chỉ các ấn nơi tay, đều tương ứng với các ý nghĩa đặc biệt, đối lập với Khế ấn là những tư thế khác như cầm ngọc, tọa thiền...
Đặc biệt, trong các tông phái như Thiên Thai tông, Kim cương thừa, các ấn này thường đi đôi với Man-tra. Ngoài ra, các ấn này giúp hành giả chứng được các cấp tâm thức nội tại, bằng cách giữ vững những vị trí thân thể nhất định và tạo mối liên hệ giữa hành giả với các vị Phật hoặc Đạo sư trong lúc hành trì một Thành tựu pháp (sa. sādhana).
 Thời gian gần đây BBT Diễn đàn Nhân điện và Tâm Linh nhận thấy các video clips nói về cách bắt ấn (khế ấn, thủ ấn) theo Mật giáo (Mật Tông) có nhiều ích lợi cho sự nghiên cứu và tu tập cho các hành giả thuộc Tông Mật, chúng tôi xin mạn phép được post lên đây.
Tuy nhiên, những clips sưu tập nầy, mong rằng chỉ để nghiên cứu, tham vấn mà thôi; còn như nếu các quí vị muốn được trì tụng Chân ngôn, Ấn Pháp, Bộ Pháp v.v... theo như những Nghi Quỹ Mật giáo, xin quý hành giả hữu duyên với Tông Phái nầy, hãy đến cần cầu thọ Pháp nơi những vị Du già Mật giáo.
SỰ LIÊN QUAN GIỮA KHÍ LỰC KINH MẠCH CỦA HAI BÀN TAY – CHÂN ĐƯỢC XỬ DỤNG TRONG LÚC BẮT ẤN QUYẾT.

altẤn quyết là sự chứng nghiệm của cổ nhân để lại ; trong khi luyện tập, dùng hai bàn tay để bắt ấn, thì ta sẽ chứng nghiệm và cảm nhận được luồng khí lực, được phát ra rất mạnh từ hai bàn tay, và ta chỉ cần luyện tập trong một khoảng thời gian ngắn là có thể đạt được hiệu quả. 

Dùng phương pháp Tam Mật Tương Ứng, mà hằng tâm tập luyện, các ấn quyết một cách tuần tự, chỉ trong một thời gian tập luyện liên tục ; đến khi khí lực trong cơ thể, đã nhờ sự tập luyện, mà tích tụ đầy đủ mạnh ; thì ta có thể vận dụng làm chuyển động toàn khí lực, trong toàn thân ra ngoài hai bàn tay đang bắt ấn quyết, sẽ khiến ấn quyết đang bắt, sẽ phát ra một luồng khí quang sáng rực. 

Sau đây là sự liên hệ giữa thủ ấn và kinh mạch : 

Bàn tay trái gọi là Thiện Niệm Thủ, còn gọi là Chỉ thủ – bàn tay đình chỉ, ngưng – hay còn gọi là Tam muội Thủ.
Bàn tay mặt gọi là Bi Niệm thủ, còn có tên là Quán thủ, Bát Nhả.
Mổi bàn tay gọi là Kim Cang Chưởng.
Mười ngón tay thường được gọi là Thập Luân Viên Mản, lại còn có tên là Thập Độ, Thập Địa, Thập Giới, Thập Ba La Mật ;
Mười đầu ngón tay được gọi là Thập Ba La Mật Phong – tức là mười đỉnh của mười ngọn núi cao. Ngón cái tay trái có tên gọi là Trí, ngón trỏ là Lực, ngón giữa là Nguyện, ngón áp út là Phương, ngón út là Huệ. Ngón cái tay mặt là Thiền, ngón trỏ là Tiến, ngón giữa là Nhẩn, ngón áp út là Giới, ngón út là Thí. 

Sau khi luyện tập thủ ấn, đã phát động được Nội Khí, ta có thể vận động 10 ngón tay và 10 ngón chân, để nội khí trong 12 kinh mạch và kỳ kinh bát mạch, được vận hành, khiến cho khí huyết trong cơ thể được lưu thông tốt, đẩy mạnh quá trình biến dưởng, thông qua đó giúp cho cơ thể chống được bệnh tật và sự tấn công của ngoại giới. 

Sự lay động các ngón tay,hay sự khâu vòng các ngón tay lại với nhau, có thể làm cho nội khí vận hành trong cơ thể, sản sinh ra sự kích động, làm cho cơ thể tự rung động, ngả nghiêng và kích động mảnh liệt. 

Trong lúc luyện công bắt ấn, các luồng khí lực trong cơ thể, được phát ra theo đầu các ngón tay như sau : 

- Ngón cái phát ra khí lực của Thái Âm Phế kinh. 
- Ngón trỏ phát ra khí lực của Dương minh Đại Trường Kinh. 
- Ngón giữa phát ra khí lực của kinh tâm Bào Lạc. 
- Ngón út phát ra khí lực của Tiểu Trường Kinh và Tâm Kinh. 

Trong lúc luyện công bắt ấn, các luồng khí lực trong cơ thể, được phát ra theo đầu các ngón chân như sau : 

- Ngón chân cái phát ra khí lực của Tỳ Kinh. 
- Ngón chân trỏ phát ra khí lực của Can Kinh. 
- Ngón chân giữa phát ra khí lực của Vị Kinh. 
- Ngón chân áp út phát ra khí lực của Đảm Kinh. 

Phàm lệ khi các ngón tay bắt ấn, khâu vòng vào nhau, thì có công năng luyện khí nội tại bên trong của cơ thể ; còn khi các ngón tay nào duổi thẳng, thì có công năng phóng phát khí lực từ bên trong ra ngoài.
Do đó, Khí lực nội luyện là Bổ, còn khí lực được phóng ra ngoài là Tả. Vì thế, tùy theo tình hình sức khõe của mổi người, mà bắt ấn Bổ hoặc Tả, để luyện tập – Cơ thể yếy thì Bổ và ngược lại, cơ thể quá dư thừa khí lực thì Tả. 

Sự Bổ Tả của khí lực dùng trong các ấn quyết trong lụ́c luyện tập là : 
KIM CANG TAM CÔ ẤN : Hai đầu ngón cái và ngón trỏ của mổi bàn tay nối lại vòng tròn, còn các ngón còn lại duổi thẳng ra, hai bàn tay để trước bụng, tay mặt để bên, trên tay trái để bên dưới, ấn nầy dùng để làm bổ khí lực của Thái Âm Phế Kinh và Đại Trường Kinh.
Đồng thời bài tiết, phế thải khí lực dư thừa hay thải trược khí của ngón giữa là Tâm Bào Kinh, ngón áp út Tam Tiêu Kinh và ngón út Tiểu trường Kinh. 

alt

QUAN ÂM CAM LỘ ẤN : Hai đầu ngón cái và ngón giữa khâu vòng lại, các ngón còn lại duổi thẳng lên, bàn tay để trước ngực. Dùng để tập luyện làm bổ cho khí lực của ngón cái là Thủ Thái Âm Phế Kinh, ngón giữa là Tâm Bào Lạc Kinh, đồng thời làm phóng khí lực hoặc làm bài tiết phế thải khí lực dư thừa hay trược khí của ngón trỏ Đại Trường Kinh, Ngón áp út Tam Tiêu Kinh và ngón út Tiểu trường Kinh và Tâm Kinh. 


alt

KIẾT TƯỜNG ẤN : Đầu ngón cái và ngón áp út đeo nhẩn khâu vòng chạm vào nhau, các ngón khác duổi thẳng lên. Được tập luyện để làm bồi bổ khí lực của Thủ Thái Âm Kinh và ngón áp út là Tam Tiêu Kinh, làm phóng khí lực của ngón trỏ là Đại Trường Kinh, ngón giữa là Tâm Bào Lạc Kinh, ngón út là Tiểu Trường Kinh và Tâm Kinh. 

alt
http://ue.vnweblogs.com/gallery/18513/HV_01.gif

 Bộ Video 36 Ấn quyết Mật Tông

Dưới đây là bộ sưu tập gồm 36 Ấn Quyết Mật Tông quan trọng có tên gọi khác sẽ được hướng dẫn cụ thể qua 36 Video clips dưới đây: (Thứ tự các Ấn dưới đây chỉ sắp theo thứ tự Anpha A -->B)
  1. + Đại Bạch Tán Cái Phật Thủ Ấn
  2. + Cúng Dường Thủ Ấn
  3. + Cô Lỗ Cô Liệt Phật Mẫu Thủ Ấn
  4. + Bình Đẳng Thủ Ấn
  5. + Bất Động Minh Vương Thủ Ấn
  6. + Ái Nhiễm Minh Vương Thủ Ấn 爱染明王
  7. + A Di Đà Phật Pháp Giới Định Ấn
  8. + Đại Hải Siêu Độ Thủ Ấn
  9. + Đại Uy Đức Kim Cương Thủ Ấn
  10. + Đại Nhật Như Lai Trì Quyền Ấn
  11. + Dao Trì Kim Mẫu Thủ Ấn
  12. + Địa Tạng Vương Bồ Tát Thủ Ấn
  13. + Địa Tạng Vương Bồ Tát Ấn
  14. + Dược Sư Phật Thủ Ấn
  15. + Hoàng Tài Thần Thủ Ấn
  16. + Hồng Tài Thần Thủ Ấn
  17. + Hợp Chưởng Thủ Ấn
  18. + Hư Không Tạng Bồ Tát Thủ Ấn
  19. + Kim Cương Tâm Bồ Tát Thủ Ấn
  20. + Kim Cương Tam Muội Đa Ấn Chuẩn Đề Phật Mẫu Thủ Ấn
  21. + Kim Cương Hợp Chưởng Thủ Ấn (sa. vajrapradama-mudrā) 10
  22. + Liên Hoa Đồng Tử Thủ Ấn
  23. + Liên Hoa Sanh Đại Sĩ Thủ Ấn
  24. + Liên Hoa Thủ Ấn
  25. + Long Vương Thủ Ấn
  26. + Lục Độ Mẫu Thủ Ấn
  27. + Mã Đầu Minh Vương Thủ Ấn
  28. + Ma Lợi Chi Thiên Bồ Tát Ẩn Hình Thủ Ấn
  29. + Phật Kham Thủ Ấn
  30. + Phúc Đức Chánh Thần Thủ Ấn.
  31. + Quan Thế Âm Bồ Tát Thủ Ấn
  32. + Tài Thần Thủ Ấn
  33. + Thời Luân Kim Cương Thủ Ấn
  34. + Thich Ca Mâu Ni Phật Tam San Ấn
  35. + Tôn Thắng Phật Mẫu Thủ Ấn
  36. + Uế Tích Kim Cương Thủ Ấn

        1 Các ấn quan trọng nhất

    • 1.1 Ấn thiền (sa. dhyāni-mudrā)
    • 1.2 Ấn giáo hóa (sa. vitarka-mudrā)
    • 1.3 Ấn chuyển pháp luân (sa. dharmacakrapravartana-mudrā)
    • 1.4 Ấn xúc địa (sa. bhūmisparśa-mudrā)
    • 1.5 Ấn vô úy (sa. abhaya-mudrā)
    • 1.6 Ấn thí nguyện (sa. varada-mudrā)
    • 1.7 Ấn tối thượng bồ-đề (sa. uttarabodhi-mudrā)
    • 1.8 Ấn trí huệ vô thượng (sa. bodhyagri-mudrā)
    • 1.9 Ấn hiệp chưởng (sa. añjali-mudrā)
    • 1.10 Ấn kim cương hiệp chưởng (sa. vajrapradama-mudrā)
Xin bấm vào mỗi hình, sẽ được nhìn thấy các Ấn...
Vài lời cẩn trọng và chia xẻ.
  1 - A Di Đà Phật Pháp Giới Định Ấn
(Ấn này trông giống Kim Cang Tam Cô Ấn ?)






http://www.thaoduongmoscow.com/images/anthien.jpg

1.

2. 

3.

4

5

6

7

8

9

 10


11


12


13


14


15


16

 

17


18


19


20


21



22


23



 24


 25


 26


27


 28


 29


 30


31


32


33


34


35


36


37


38


Thủ ấn của Ái Nhiễm Minh Vương (đang biên soạn) 爱染明王(梵名Raga-raja),密教本尊之一。汉译 有罗誐罗頠????、爱染王等名。raga一词,原义是彩 艠 ?、情欲的意思。所以在密教里,此尊䠠????“爱欲贪染即净菩提心”的象征,栠?? 名爱染明王。而raja又含有赤色的意义????因此,此尊多以全身赤色来象征其栠?? 爱的特德。 爱染明王象征众生的染爱情欲无靠 ? ?是清净体性,染净不二,而依此修习堠????菩提心,此即烦恼即菩提之义。 修习爱染明王之法,主要是以调传 ? ?、敬爱与祈福为主,尤以敬爱法为甚㠠????此法本是台密的秘法,后来东密、堠?? 密都共同修习。 Ái nhiễm minh vương (phạm danh Raga-raja),mật giáo bổn tôn chi nhất 。hán dịch hữu la ?la đồ 、ái nhiễm vương đẳng danh 。raganhất từ ,nguyên nghĩa thị thải sắc 、tình dục đích ý tư 。sở dĩ tại mật giáo lí ,thử tôn vi “ái dục tham nhiễm tức tịnh bồ đề tâm ”đích tượng chinh ,cố danh ái nhiễm minh vương 。nhi rajahựu hàm hữu xích sắc đích ý nghĩa ,nhân thử ,thử tôn đa dĩ toàn thân xích sắc lai tượng chinh kì hoài ái đích đặc đức。 Ái nhiễm minh vương tượng chinh chúng sanh đích nhiễm ái tình dục vô phi thị thanh tịnh thể tính nhiễm tịnh bất nhị ,nhi y thử tu tập tịnh bồ đề tâm ,thử tức phiền não tức bồ đề chi nghĩa。tu tập ái nhiễm minh vương chi pháp,chủ yếu thị dĩ điều phục 、kính ái dữ kì phúc vi chủ ,vưu dĩ kính ái pháp vi thậm。thử pháp bổn thị thai mật đích bí pháp ,hậu lai đông mật 、thai mật đô cộng đồng tu tập 。 Sở học thì mênh mông, trên đây chỉ là những hiểu biết hãy còn sơ đẳng, thô thiển của hạ bối cóp nhặt thì nhiều nguồn để trình bày lại mà thôi. Kính mong sự chỉ giáo của các bậc tiền bối. Quang Võ Nguồn Diễn đàn Nhân điện và Tâm Linh http://ue.vnweblogs.com ******
 2- Ái Nhiễm Minh Vương Thủ Ấn 爱染明王 (梵名Raga-raja)
(Xin xem tiếp chi tiết ở cuối bài) 

alt






TIẾT III. CÁC TƯỢNG PHẬT LINH THIÊNG TRÊN THẾ GIỚI


1. Hyderabad (Ấn Độ)
 


Bức tượng nằm ở  hồ nhân tạo  thành phố Hyderabad là một trong những tượng Phật nổi tiếng. Bức tượng cao 17m và nặng 320 tấn. Bức tượng là khối tượng lớn trong tất cả các tượng ở Ấn Độ, chỉ từ một miếng đá duy nhất mà nó được điêu khắc thành tượng bởi một nhóm các nghệ nhân. Nhưng cũng vì để hoàn thành bức tượng này, năm 1992, tượng bị đổ và làm cho 8 công nhân tử nạn. Chính vì lí do đó mà bức tượng phải thu hồi và khôi phục lại chiều cao và kích thước phù hợp hơn


2. Tượng Đức Phật Tian Tan (Hongkong)




Tuợng Phật Tian Tan  ở Hongkong còn được gọi là “ Tượng Phật lớn”, nằm trên đảo Lantau,  hoàn toàn bằng đồng và  hoàn thành vào năm 1993. Tượng Phật ngồi trên một tòa sen với chiều cao là 34m, Đức Phật được chạm khắc trong tư thế bình thản.  Bức tượng nằm gần ngôi chùa Po Lin cũng là tượng trưng cho mối quan hệ hài hòa giữa con người và thiên nhiên, tôn giáo. Đây được coi là trung tâm lớn của Phật giáo tại Hong Kong và cũng là nơi được coi có nền du lịch nổi tiếng và phổ biến nhất ở Hong Kong.

3. Tượng Phật Monywa (Miến Điện)



Monywa là một thành phố ở miền Trung nằm trên bờ sông Chindwin Miến Điện. Ở phía Đông của thành phố là Po Khaung Taung, nơi mà bạn có thể thấy các tượng Phật Monywa lớn nhất trên thế giới. Số đo chiều dài của tượng nằm lên đến con số khổng lồ 90m, tượng Phật đứng cao 130m. Đức Phật Monywa được xây dựng vào năm 1991 và bên trong hoàn toàn rỗng; từ đó du khách có thể đi bộ dọc theo từ đầu đến chân Đức Phật


4. Phật Ayutthaya (Thái Lan)




Tượng Phật ở thành phố Ayutthaya của Thái Lan là một trong những bức tượng Phật có hình thù đặc biệt nhất trên thế giới. Trong số những tàn tích của Thái Lan thì đây là những bức tượng bằng đá sa thạch; một phần còn lại của cơ thể Đức Phật đã bị mất nhưng đầu của Ngài thì lại được nghỉ ngơi trong rễ và dây leo của cây. Đây có thể được coi là những tàn tích còn xót lại và sống sót sau sự tàn phá của thời gian.

5. Tượng Phật Gal Viharaya (Sri Lanka)




Gal Viharaya là một ngôi đền đá của Đức Phật nằm ở thành phố cổ Polonnaruwa, trung tâm thành phố miền Bắc Sri Lanka. Tượng được xây dựng vào thế kỷ XII và khuôn mặt của Ngài được chạm khắc vào một tảng đá granit lớn. Nơi đây còn rất nhiều bức tượng với nhiều hình dạng khác nhau như: đang nằm, ngồi. Trong đó tượng Phật hình nằm có chiều dài lớn nhất trong số những bức tượng ở đây; chiều dài của tượng là 14,12m và chiều cao là 7m.

6. Tượng Phật Ushiku Daibutsu (Nhật Bản)



Tượng này ở thành phố Ushiku Daibutsu  Nhật Bản, được hoàn thành vào năm 1995, đây là bức tượng nằm trong số những bức tượng cao nhất thế giới. Tổng chiều dài tượng là 120m và Ngài đứng trên một tòa sen cao 10m. Du khách tới đây có thể đi bằng thang máy để lên cao hơn ngắm nhìn cảnh vật xung quanh. Bức tượng được làm bằng đồng mạ mô tả Đức Phật A Di Đà và còn được gọi là Ushiku Arcadia.

7.Tượng Phật nằm Wat Pho (Thái lan)



Tượng Phật nằm hay còn được gọi là Wat Pho; ở tại một ngôi đền Phật giáo nằm ở Bangkok, Wat Pho được đặt tên theo một ngôi chùa ở Ấn Độ, nơi được cho là Phật đã từng sinh sống.  Đây là một trong những ngôi đền nổi tiếng ở Bangkok và cũng là một trong những tượng Phật lâu đời nhất, xây dựng gần 200 năm trước khi Bangkok trở thành thủ đô của Thái Lan. Wat Pho luôn giữ được nét riêng biệt đó là tượng có cả hai yếu tố: tượng Thái Lan lớn nhất và tượng Phật nằm có số lượng nhiều người đến chụp ảnh nhiều nhất. Wat pho được mạ vàng và có chiều dài 46m và cao 15m; hình ảnh của tượng như là sự tưởng niệm ra đi của Đức Phật Niết Bàn. Mắt và bàn chân của Đức Phật được trang trí bằng ngọc trai, lòng bànn chân hiển thị 108 nét vân thật sự tốt lành của Đức Phật.

8.Tượng Phật lớn của Kamakura (Nhật bản)



Ngôi đền nổi tiếng với “ Đức Phật lớn” làm bằng đồng– Đức Phật Di Đà, một trong những nhân vật Phật giáo nổi tiếng nhất củ Bức tượng cao khoảng 13,35m nặng khoảng 93 tấn. Bức tượng được đúc bởi các tu sĩ Phật giáo Joko. Tượng cũng được mạ vàng, hiện nay vẫn còn dấu vết của lá vàng gần tai của bức tượng nhưng không rõ ràng. Trận động đất Kanto năm 1923 đã phá hủy khá nhiều bức tượng nhưng vào năm 1925 cũng những bức tượng ấy cũng dần được phục hồi lại đồng thời các cơ quan có thẩm quyền cũng đã đưa ra những biện pháp bảo vệ tránh sự thiệt hại và gây ra tổn thất cho ngôi đền khỏi trận động đất

9. Ngôi đền Phật Ngọc (Thái Lan)



Chùa Phật Ngọc được đặt trong ngôi chùa Wat Phra Kaew ở Thái Lan; ngôi chùa được coi là linh thiêng nhất của Phật giáo, nằm trong khuôn viên cung điện của các tòa nhà ở trung tâm Bangkok. Phật Ngọc là một bức tượng màu xanh lá cây đen, được chạm khắc từ đá ngọc bích. Bức tượng được tạc trong tư thế thiền định theo phong cách của Lama. Theo truyền thuyết, Phật Ngọc được tạo ra ở Ấn Độ năm 43 trước Công nguyên ở thành phố Pataliputra nơi được cho là bức tượng đã có mặt ở đó 300 năm. Trong thế kỷ thứ IV đã được đưa đi đến Sri Lanka cho các nhà sư Phật giáo để lưu giữ tượng tránh bị phá hủy bởi chiến tranh. Cuối cùng bức tượng được đưa về Thái Lan và chuyển đến Wat Phra Kaew vào năm 1779. Ngoại trừ vua Thái Lan, không ai được phép chạm vào bức tượng này. Vua thường thay đổi màu sắc chiếc áo choàng quanh bức tượng ba lần 1 năm, tương ứng với mùa hè, mùa đông, và mùa mưa.

10. Tượng Đức Phật khổng lồ ở Lạc Sơn (Trung Quốc)

Tượng Phật ở Lạc Sơn – Di sản thế giới được UNESCO công nhận năm 1996


Tượng Phật Lạc Sơn được xây dựng trong triều đại nhà Đường,  được chạm khắc trên một vách núi nằm ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc, gần thành phố Lạc Sơn. Đây là bức tượng chạm khắc đá và hiện nay là bức tượng nằm trong số những bức tượng cao nhất thế giới.  Tượng có chiều cao 71m, hình ảnh của bức tượng diễn tả Phật đang ngồi với đôi tay đặt trên đầu gối của mình. Vai rộng 28m và những móng chân của Ngài đủ để 1 người ngồi. Có một câu nói của dân địa phương hay nói với nhau rằng: “ Ngọn núi này là một vị Phật và Đức Phật là một ngọn núi”. Với chiều dài lịch sử của tượng Phật, UNESCO công nhận đây là từ năm 1996. Mặc dù đã trải qua trận động đất Tứ Xuyên nhưng tượng vẫn không bị hư hại.


11. Phật ngọc  (Uc châu)




Vào năm 2000, tại vùng Bắc Vancouver Canada, Công ty Jade West Resources đã tìm thấy một khối ngọc thạch nephrite lớn và đẹp chưa từng thấy từ trước cho đến nay. Khối ngọc nặng khoảng 18 tấn, rất ít tì vết và có màu xanh lá cây tươi đã làm ngạc nhiên giới nghiên cứu và kinh doanh đá quý thế giới. Họ đã đặt tên khối ngọc đặc biệt này là Polar pride, có nghĩa là "Niềm kiêu hãnh của Địa cực". Các nhà nghiên cứu ngọc học cho biết, đây là loại ngọc bán quý có tên là ngọc thạch Canada (Canadian nephrite), là 1 trong 2 họ ngọc thuộc nhóm Jade, có chất lượng rất tốt có thể làm đồ trang sức...

Được Lạt-ma Zopa Rinpoche khuyến khích, ông Ian Green, một phật tử ở Bendigo, bang Victoria Úc đã phát tâm thực hiện ý tưởng này. Sau khi trúng thầu với giá mua hơn 1,5 triệu USD, ông Ian Green đã đưa khối ngọc “Polar pride” này từ cảng Vancouver (Canada) về đến thủ đô Bangkok (Thái Lan) để tìm nơi chế tác.
Trong năm 2007, dựa theo khuôn mẫu của tượng Phật Thích-ca Mâu-ni được tôn thờ bên trong Bảo Tháp Đại Giác Ngộ (Mahabodhi Stupa) ở Bồ Đề Đạo Tràng (Ấn Độ), Lạt Ma Rinpoche và các nhà nghiên cứu mỹ thuật đứng đầu là Jonathon Partridge ở Úc, đã dày công phác thảo, điều chỉnh nhiều lần mô hình pho tượng sẽ điêu khắc, nhằm thể hiện được hình mẫu Đức Phật đẹp và uy nghiêm nhất trên nền ngọc vô giá...

Đến đầu năm 2008, những nghệ nhân điêu khắc tinh tế Thái Lan thuộc công ty Jade Thongtawee (Chieng Mai) đã được chọn để điêu khắc tác phẩm bằng ngọc quý giá này. Họ bắt đầu thực hiện theo mô hình Đức Phật đã được tuyển chọn và sau nhiều tháng kiên nhẫn chế tác chạm trổ, pho tượng ngọc đã hoàn tất xuất sắc vào cuối tháng 12 năm 2008. Nhóm kỹ thuật người Úc và ông Ian Green đã quyết định xẻ lấy phần ngọc đẹp nhất trong toàn khối, nặng khoảng 04 tấn, để điêu khắc thành kim thân Đức Phật.

Pho tượng Phật Ngọc hoàn thiện cao 2,54m ngang 1,77m, nơi dày nhất khoảng 1m (gồm 5 phần ghép lại là: kim thân, nhục kế, hào quang, tòa sen, bình bát)[1]. Tại Thái Lan, sau khi các nghi lễ chú nguyện được tổ chức, pho tượng ngọc chính thức được đặt tên là Phật Ngọc Cho Hòa Bình Thế Giới (Gem Buddha for Universal peace).
Cuối năm 2008, Trung tâm Phật giáo Atisha (Úc) với sự hợp tác của các đạo tràng ở nhiều nước đã khởi xướng sẽ cung nghinh Phật Ngọc chu du triển lãm tại nhiều quốc gia trên thế giới, với niềm tin tưởng Phật ngọc sẽ đem đến sự an bình cho thế giới...

 


TIẾT IV  MỘT SỐ TRANH TƯỢNG TIÊU BIỂU TẠI CÁC QUỐC GIA

1. ẤN ĐỘ
  
  Tượng phật khổng lồ tại Bodhgaya của Ấn Độ, cao 25m
 



 image004.jpg
 Tôn tượng Phật Thích Ca tại Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ


 




 2.  SRI LANKA

Một trong những tượng Phật trong hang động

Tượng toàn bằng đá nguyên khối


Các tượng Phật bên trong hang động





Ngoài hang động, thì ngành khảo cổ học Sri Lanka đã khám phá được các khu vực tượng đá Gal - Vihara. Đây là một trong những khu vực tượng đá nổi tiếng nhất Sri Lanka có niên đại cả ngàn năm. Xung quanh là khu rừng, quan sát chỉ thấy có khối đá lớn, người xưa đã tạc thành các bức tượng Phật Nhập Niết Bàn, tượng đức A Nan đứng hầu đức Phật, và tượng đức Phật nhập chánh định...


Tượng đức A Nan buồn bã đứng hầu đức Phật Nhập Niết Bàn cao cả chục mét hơn


Tượng Phật Nhập Niết Bàn, tất cả đều bằng đá.

từ hòn núi đá trơ trọi trong rừng đó.





 3. MIẾN ĐIỆN (MYANMAR)
 


Tượng Phật tại Myanmar

 

Tượng Phật tại Myanmar




 Tượng Phật tại Myanmar



 Tượng Phật tại Myanmar

 



 Tượng Phật Bị Hất Hủi.
Chùa Shwedagon là một ngôi chùa quốc biểu của Myanmar ở thủ đô Yangon. Chùa được coi là cổ nhất ở Myanmar có tuổi hơn 2.600 năm.
Trong ngôi chùa này có một pho tượng ngọc thạch rất quí nhưng lại bị dân Myanmar hất hủi không ngó ngàng tới.

clip_image004

Lý do là pho tượng này do một tướng lãnh trong tập đoàn quân phiệt cúng tặng. Khuôn mặt tượng giống khuôn mặt của vị tướng này!

Tượng Phật Mắt Biếc.
Gần chùa vàng Shwedagon có ngôi chùa Chaukhtatgyi Paya có một tượng Phật nằm khổng lồ. Tượng này đặc biệt là Phật mở mắt nhìn xuống thế giới. Đôi mắt biếc, long lanh.
clip_image005clip_image005[1]clip_image007

Đôi mắt Phật làm bằng pha lê do công ty chế tạo pha lê, thủy tinh nổi tiếng nhất của Myanmar cúng tặng.

Tượng Phật Mặc Áo Giáp.
Cũng không xa chùa Phật nằm này là chùa có tượng Phật ngồi vĩ đại tên là chùa Ngadatkyi Paya.

clip_image008

Đặc biệt tượng Phật này mặc áo bằng vàng, có cầu vai và tấm chắn che cổ cũng bằng vàng trông như mặc áo giáp vàng. Tượng này do tập đoàn quân phiệt cho làm nên cho mặc áo giáp vàng. Các nhà độc tài lúc nào cũng phải mặc áo giáp mà sống kể cả đức tin.

Tượng Phật Da Cóc Vàng.
Tại Madalay có chùa Phật Mahamuni (Đại Mâu Ni Phật). Chùa nổi tiểng có pho tượng bọc vàng da sần sùi như da cóc.

clip_image010

clip_image012

Tượng Phật rất được tôn sùng vì cho là một biểu ý của đời sống Phật. Đây là một bức tượng làm lúc ngài còn sống. Theo truyền thuyết, Đức Phật tới thăm thành phố Dhaniyawani ở Arakan vào năm 554 TTL, vua Sanda Thuriya xin phép Phật cho làm một pho tượng của ngài. Sau khi làm xong, đức Phật thở vào pho tượng. Vì thế tượng được cho là tượng sống của Đức Đại Mâu Ni Phật.
Dân Myanmar và các Phật tử khắp thế giới đã dán những giấy lá vàng lên tượng (ngoại trừ mặt) khiến cho tượng trông nổi những cục vàng sần sùi. Ngày nay lớp vàng đã dầy trên 15 cm.

Tượng Phật Khối Vàng
Tại vùng hồ Inle tiểu bang Shan có chùa Phaung Dau OO nổi tiếng với năm tượng Phật trông như những khối vàng.

clip_image014


Vì dân chúng dán những lá vàng lên khắp người tượng khiến cho tượng ngày nay không còn hình dạng tượng Phật nữa mà trở thành năm khối bọc vàng. Vào khoảng tháng mười có lễ hội rước năm pho tượng này trên chiếc thuyền làm rập theo chiếc thuyền ngự hình chim thần hintha ở Yangon. Thuyền rước tượng đi vòng quanh hồ theo chiều kim đồng hồ (nên nhớ Phật giáo nghiêng về phía Vũ của Vũ Trụ giáo, là một tôn giáo tĩnh mang âm tính nên mọi nghi thức Phật giáo đều vận chuyển theo chiều âm, chiều kim đồng hồ). Thuyền dừng lại các ngôi làng lớn. Tượng được chuyển lên chùa của làng để dân địa phương thờ phượng qua đêm. Hôm sau lại tiếp tục đi.
Vào khoảng năm 1960, thuyền khi đi trên hồ chẳng may gặp phải dông bão bị lật chìm. Các thợ lặn chỉ tìm lấy lại được có bốn pho tượng, còn một pho tượng bị chìm mất.
Khi trở về chùa thì ngạc nhiên thay thấy pho tượng thứ năm bị chìm mất đang ngồi trên bàn thờ.
Từ đó về sau hàng năm chỉ đem có bốn pho tượng đi rước lễ trên thuyền còn để lại chùa một pho tượng.

Tượng Phật Toát Mồ Hôi
Chùa hang Pindaya nhìn xuống hồ Inle có chứa 8000 tượng Phật với sắc diện, mặt, mũi, tóc, tư thế, xiêm y…thiên hình vạn trạng.

clip_image018

clip_image020

Có nhiều truyền thuyết nói về chùa. Trong đó phổ thông nhất là truyền thuyết nói rắng có bẩy nàng công chúa tắm hồ bị một con nhện khổng lồ bắt nhốt vào trong hang và được hoàng tử Kummabhaya của xứ Yawnghwe giải cứu. Sau đó hang được dùng làm chùa.

clip_image022
Truyền thuyết con nhện.

Trong các tượng này có hai pho tượng Phật mầu đen toát mồi hôi.

clip_image024

Phật toát mồ hôi nên dán lá vàng không dính vào tượng được.
Theo đức tin cho rằng đây là khí lực thiêng liêng của Phật toát ra ngoài. Các tín hữu thường sờ tay vào lấy mồ hôi coi như xin hưởng sự phù trợ của Phật lực, đôi khi thoa lên đầu mặt hay các phần bệnh tật trên thân thể của mình.
Có giải thích cho rằng tượng hấp thu khí ẩm của hang nên lúc nào cũng toát ra mồ hôi.
Lưu ý hai pho tượng toát mồ hôi này có mầu đen. Theo Dịch mầu đen là mầu nước. Nước có một nghĩa là Mẹ của Sự Sống.

Tượng Phật Ăn Ngon Miệng
Trong chùa hang Pindaya này cũng có tượng Phật đang bốc thức ăn trong bình bát vừa ăn vừa nhìn lên trời trông rất vui tươi. Phật ăn rất ngon miệng.

clip_image026


Tượng Phật Cầm Hạt.
Cũng trong hang này có một tượng Phật cầm một hạt (seed) trong tay. Nhìn bàn tay cầm hạt liên tưởng tới nhân quả. Người hướng dẫn viên lại giải thích đây là hình ảnh của Phật là một vị thầy thuốc vĩ đại của nhân loại.
clip_image028

Tượng Phật Cầm Dải Áo.
Ở Bagan, có chùa Shwezigon, ngôi chùa có giữ bốn chiếc răng Phật.

clip_image030
(nguồn ancientbagan.com).
Đặc biệt ở đây có pho tượng Phật nằm lim dim bàn tay cầm dải áo.
Tín hữu Phật giáo tin rằng nếu sờ được dải áo này thì sẽ có một ngày trở lại Myanmar và thăm lại tượng Phật này. Vì thế phần tay và dải áo ngày nay bị mòn, mất hết mầu nên tượng này bị rào kín lại.

Tượng Phật Mỉm Cười.
Chùa Ananda ở Bagan, một trong bốn ngôi chùa cổ nhất còn tồn tại.

clip_image032

Ngài Ananda là cháu của Phật, là thư ký riêng và là một trong các đệ tử chính yếu.
Chùa xây theo kiến trúc hỗn hợp Mon-Ấn-Độ. Trong chùa có bốn pho tượng đứng nhìn ra bốn hướng. Tượng nhìn hướng Nam tên là Kassapa, tượng nhìn hướng Bắc là Kakusandha, tượng nhìn hướng Đông là Konagamana và tượng nhìn hướng Tây là Gotama (Cồ Đàm, Phật Tổ).
Tượng Phật Kassapa nhìn về hướng Nam có nụ cười mỉm rất tươi.


  
Tượng Phật Bị Giam Cầm.
Chùa Manuha là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Bagan, xây vào năm 1067 bởi vị vua tù nhân Manuha người Mon. Vua Manuha ở Thaton có được bộ kinh Phật thiêng liêng Tripitaka. Vua Anawrahta đòi lấy, vua Manuha không chịu đưa, thế là vua Anawrahta đem quân chinh phạt và bắt vua Manuha dem về cầm tù ở Bagan.
Vua Manuha được phép cho xây một ngôi chùa để tu hành. Ông cho xây ngôi chùa sau này gọi theo tên ông. Chùa diễn tả nỗi bất bình vì bị giam cầm của mình. Trong chùa có ba tượng Phật ngồi và một tượng nằm. Tất cả các pho được đều bị giam trong những căn phòng hẹp như xà lim.

clip_image036
Pho tượng Phật vĩ đại bị nhốt trong phòng hẹp như xà lim.

Đặc biệt pho tượng Phật nằm nhập niết bàn tuy bị giam cầm nhưng vẫn mỉm cười, được cho là tâm trạng của vua Manuha nói cho biết chỉ khi nào ông chết đi thì mới giải thoát khỏi được cảnh tù đầy.
Dĩ nhiên còn nhiều nữa.



4. PAKISTAN
 


Tượng Phật tại Pakistan

 

Bức tượng Phật khắc vào núi đá ở Pakistan từ 1,500 năm nay, bị phiến quân Taliban phá nổ năm 2007, nay đang được một nhà khảo cổ người Ý trùng tu lại. (Hình: AP Photo/B.K. Bangash)


 5. TÂY TẠNG


13 金刚上师持明无畏洲尊者.gif


15 金刚上师华智仁波切.gif



17 金刚上师麦彭仁波切.gif



10 金刚上师贝若扎那尊者.gif



14 金刚上师无畏如来芽尊者.gif



18 金刚上师法王如意宝晋美彭措传承.gif



6. VIỆT NAM
 Các tranh tượng phổ biến

  
Thích Ca Mâu Ni Phật 


 
 Hình Ảnh Tôn Tượng Đức Phật A Di Đà do Đại Đức Thích Đồng Pháp  chùa  MINH THÀNH đồ họa ( Lịch sử và 48 Đại Nguyện của Đức Phật A Di Đà. Hòa Thượng Thích Thiện Hoa)


 

A Di Đà Phật 



Khai hội ngôi chùa có 12 kỷ lục VN, Tin tức trong ngày, chua Bai Dinh, chua co 12 ky luc Viet Nam, chua, phat tu, di le chua

Tam thế Phật


Di Đà tam tôn ( Phật A Di đà ở giữa, Bồ tát  Quan Âm bên trái, Đại Thế Chí bên phải)





Phật  Di lặc


 

 



CÁC TƯỢNG PHẬT ĐẶC BIỆT TẠI  VIỆT NAM 

1.  Chùa Sóc Thiên Vương thường gọi là chùa Non Nước, tọa lạc ở xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn,  Hà Nội.



Pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng đúc liền khối tại Ý Yên, Nam Định năm 2001. Pho tượng có trọng lượng 20 tấn, cao 5,3m; đài sen có trọng lượng 10 tấn, cao 1,35m; bệ đá cao 1,75m.

 2  Chùa Thần Quang thường gọi là chùa Ngũ Xã, tọa lạc ở số 44, phố Ngũ Xã, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình,  Hà Nội.


Ở chánh điện tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng, được các nghệ nhân địa phương đúc từ năm 1949 đến năm 1952. Tượng cao 3,95m, nặng 10 tấn; tòa sen cao 1,45m, nặng 3,9 tấn.

  3. Chùa Tây Phương có tên là Sùng Phúc Tự, tọa lạc trên núi Tây Phương, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất,  tỉnh Sơn Tây, nay  thuộc Hà Nội.

Ba pho Di Đà tam tôn ở vị trí cao nhất. Tượng A Di Đà ở miền bắc thường là tượng ngồi, rất lớn. Ở chùa Tây Phương là tượng đứng, tay phải buông thõng, tay trái nâng trước ngực.
Hai Bồ tát đứng hai bên đều đội mũ, trang sức, tay bắt thủ ấn "cát tường ấn". Vì đứng ở vị trí cao nên mắt nhìn xuống trông hiền từ hơn nhiều so với A Di Đà mắt nhìn ngang.
http://i164.photobucket.com/albums/u27/chitto2/DitichLS/HTay_TayPhuong_Didacopy.jpg

 Chùa này gian giữa có tượng  Quan Âm thiên thủ thiên nhãn. Tuy nhiên tượng này chỉ có ba mươi mấy tay thôi.  Tượng này có điều đặc biệt là đôi tay đưa lên khỏi đầu đỡ tượng A Di Đà (khác với tượng chùa Bút Tháp là đội trên mũ đội đầu). Ngoài ra, do tượng bày ở gian giữa, phía sau lộ rõ, nên còn một đôi tay đặc biệt chắp ngược ra sau lưng nữa cơ.

http://i164.photobucket.com/albums/u27/chitto2/DitichLS/HTay_TayPhuong_0704_11copy.jpg


 Những cánh tay nhỏ được cắm thẳng vào cánh tay lớn kết ấn trước bụng. (năm 1991, đọc báo thấy viết Pho tượng Quan Âm cao gần 2m, nặng hàng trăm cân chỉ trong một đêm đã biến mất. Kẻ gian cậy cửa chùa, mang pho tượng ấy xuống gần 300 bậc đá (khá hẹp) xuống chân núi Câu Lậu, rồi mang lên ô tô đem đi. 
Pho tượng mới được làm lại, nhìn chung khá giống nguyên bản (có xem ảnh tượng cũ - chụp đen trắng), còn chi tiết thì cũng không biết và không đủ trình độ để nói. Nhìn hình dáng, phong cách tượng mới để suy ra tượng cũ thôi vậy, thì pho tượng này cũng rất độc đáo trong cách sắp xếp các cánh tay.
Và cũng vì là tượng mới, nên đây là pho tượng duy nhất có màu thếp vàng trong chùa Tây Phương, không phải màu gụ, nâu đen và nhuốm vẻ thời gian như các tượng khác.)


http://i164.photobucket.com/albums/u27/chitto2/DitichLS/HTay_TayPhuong_0704_89copy.jpg

Và một đôi tay chắp ra sau lưng.
http://i164.photobucket.com/albums/u27/chitto2/DitichLS/HTay_TayPhuong_0704_90copy.jpg

Tượng các vị Kim Cương

 
http://i164.photobucket.com/albums/u27/chitto2/DitichLS/TP_KimCuong1.jpg http://i164.photobucket.com/albums/u27/chitto2/DitichLS/TP_KimCuong2.jpg 

http://i164.photobucket.com/albums/u27/chitto2/DitichLS/TP_KimCuong3.jpg http://i164.photobucket.com/albums/u27/chitto2/DitichLS/TP_KimCuong4.jpg
http://i164.photobucket.com/albums/u27/chitto2/DitichLS/TP_KimCuong5.jpg http://i164.photobucket.com/albums/u27/chitto2/DitichLS/TP_KimCuong6.jpg
http://i164.photobucket.com/albums/u27/chitto2/DitichLS/TP_KimCuong7.jpg http://i164.photobucket.com/albums/u27/chitto2/DitichLS/TP_KimCuong8.jpg
Pho tượng Tuyết Sơn

Chùa nổi tiếng xưa nay về mặt kiến trúc và hệ thống tượng thờ. Pho tượng Tuyết Sơn bằng gỗ chạm, cao 1,80m là tác phẩm điêu khắc xuất sắc của dân tộc ở các thế kỷ XVII, XVIII.

  4.  Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên tọa lạc ở xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.


  Tượng đức Phật Thích Ca bằng đá sa thạch có trọng lượng khoảng 14 tấn. Tượng có chiều cao 2,80m, tòa sen cao 1,33m, bệ cao 1,68m. Pho tượng đã được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 12-12-2007.

  5. Chùa Tùng Vân tọa lạc ở thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc.


Pho tượng Phật Ngọc Thích Ca nguyên khối cao 2,1m, nặng 5 tấn, được tạo tác theo mẫu tượng đức Phật Thích Ca cổ của chùa, từ khối đá xanh nặng 18 tấn, cao 3,3m, rộng 2,1m, dày 1,2m ở Yên Bái do gia đình Phật tử Nguyễn Văn Phước cúng dường. Pho tượng được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 16-9-2011.


6.Chùa Phật Tích -Bắc Ninh


Chùa Phật Tích có tên là Vạn Phúc Tự, tọa lạc ở xã Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Chùa là một trung tâm Phật giáo Việt Nam thời Lý


Chùa là một trung tâm Phật giáo Việt Nam thời Lý. Chùa còn giữ một số tác phẩm điêu khắc bằng đá đời Lý. Đặc biệt, ở điện Phật có tôn trí pho tượng đức Phật ngồi thiền định trên tòa sen cao 1,85m, kể cả bệ là 3m. Đây là một kiệt tác điêu khắc bằng đá lớn nhất và cổ nhất ở nước ta, đã được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 04-5-2006.  Đặc biệt, chùa có pho tượng Đại Phật bằng đá cao 27m, nặng hơn 3.000 tấn, đặt ở độ cao 108m, tạc theo nguyên mẫu pho tượng đức Phật thời Lý ở chùa, đã được chùa tổ chức đại lễ khai quang vào ngày 26-9-2010.
  Hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa thống nhất về danh xưng pho tượng là đức Phật A Di Đà hay đức Phật Thích Ca. Trong bài này, chúng tôi xin phép được đưa tượng Ngài vào nhóm tượng Phật Thích Ca.




 Tượng A Di Đà ở chùa Phậ Tích Bắc Ninh

7. Chùa Dâu -Bắc Ninh

Chùa Dâu, còn có tên là Diên Ứng (延應寺), Pháp Vân (法雲寺), hay Cổ Châu, là một ngôi chùa nằm ở xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30 km. Đây là trung tâm cổ xưa nhất của Phật giáo Việt Nam. Chùa còn được người dân gọi với những tên gọi khác nhau như chùa Cả, Cổ Châu tự, Duyên ứng tự. Đây là ngôi chùa được coi là có lịch sử hình thành sớm nhất Việt Nam mặc dù các dấu tích vật chất không còn, nó đã được xây dựng lại 

 

 Tượng Tam thân Phật ở chùa Dâu (Bắc Ninh)


Ngoài ra tại chùa này có các tượng đặc biệt:

Tượng Mạc Đĩnh Chi  ở chùa Dâu 


  08. Chùa Bái Đính tọa lạc ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình.



Chùa được xây dựng quy mô lớn, kỳ mỹ nhất nước. Trong điện Giáo chủ, chùa tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca bằng đồng đúc nguyên khối có trọng lượng 100 tấn, cao 10m được Công ty TNHH thủ công mỹ nghệ Đoàn Kết do nghệ nhân chính Nguyễn Trọng Hạnh đúc thành công ở Yên Tiến, Ý Yên, Nam Định. Pho tượng được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 04-5-2006.

3 bức tượng dát Vàng đại diện 3 thời: Quá khứ, Hiện tại và Tương lai
Tượng Tam tôn thế Phật dát  Vàng

09. Chùa Quang Minh tọa lạc ở số 412 đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.


Chùa có pho tượng đức Phật Thích Ca lộ thiên cao 20m, ngồi thiền định trên tòa sen hình lục giác, rộng 8m, bệ cao 10m. Thích Ca Phật đài được xây dựng từ năm 1964, hoàn thành năm 1969 là Phật đài lớn nhất nước ta thời bấy giờ.

  10. Chùa Linh Ứng Bà Nà tọa lạc ở độ cao khoảng 1.400m, trên đỉnh Bà Nà,  thuộc thôn An Lợi, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng.


Chùa có Phật đài lớn tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca bằng xi măng cốt sắt, cao 27m, ngang gối 14m, đài sen cao 6m, được khánh thành trọng thể vào ngày 06-3-2004. Đây là pho tượng Phật lớn nhất nước ta hiện nay, đã được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 02-01-2006.

  11. Tu viện Nguyên Thiều tọa lạc ở xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

 

Điện Phật được bài trí tôn nghiêm. Bên phải tu viện có Phật đài Thích Ca bằng xi măng cao 15m, khánh thành năm 1962.

  12. Chùa Bảo Lâm tọa lạc ở xã Bình Kiến, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

 

Bên phải ngôi chánh điện, trên triền núi, chùa tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca tọa thiền trên đài sen cao 18m, an vị năm 1998.

  13. Chùa Long Sơn tọa lạc ở số 20 đường 23 tháng 10, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

 


Bên hông trái chùa, có đường lên núi Trại Thủy, nơi đây, có tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn và Thích Ca Phật đài. Tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn dài 17m, cao 5m, an vị năm 2003. Thích Ca Phật đài cao 24m, đường kính đài sen 10m, phần tượng Kim thân Phật Tổ cao 14m, tư thế tọa thiền, uy nghi giữa bầu trời. Tượng Kim thân Phật tổ do nghệ nhân Phúc Điền cùng nhóm thợ thực hiện trong 2 năm 1964-1965.

14. Chùa Tòng Lâm  - Nha Trang

Đầu tháng 4, Giáo hội Phật giáo tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức lễ an vị đại tượng Đức Phật A Di Đà cao 44 m, lớn nhất Việt Nam hiện nay, tại chùa Tòng Lâm Lô Sơn ở xã Vĩnh Phương, phía tây thành phố Nha Trang.
tuong phat
Tượng Phật A Di Đà lớn nhất Việt Nam cao 44 m. Đường kính tòa sen chân đế là 24 m. 

Tượng Phật A Di Đà với chiều cao 44 m, gấp đôi tượng Phật trắng tại chùa Long Sơn (phường Phương Sơn, TP Nha Trang). Chùa có từ năm 1954, tọa lạc trên diện tích 5 ha. Tượng Phật khổng lồ này xây dựng từ năm 2009. Chùa và bức đại tượng nằm ngay cạnh quốc lộ sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn của phật tử và du khách thập phương.

tuong phat
Cận cảnh bức tượng.
.
tuong phat
Bức tượng được xây dựng trên một ngọn đồi.

 
15. Chùa Linh Sơn Trường Thọ thường gọi là chùa Núi, tọa lạc trên núi Tà Cú, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.

  Pho tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn tôn trí phía trên chùa, cách hang Tổ khoảng 50m. Tượng bằng xi măng, dài 49m, cao 11m, do kiến trúc sư Trương Đình Ý thực hiện từ năm 1963 đến năm 1966. Pho tượng đã được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 02-01-2006. 




16. Chùa Thiên Vương Cổ Sát thường gọi là chùa Phật Trầm, chùa Tàu tọa lạc trên đồi Rồng, số 385 đường Khe Sanh, phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.






Chùa thuộc Hệ phái Phật giáo Bắc tông (người Hoa). Trên đỉnh đồi thông sau chùa là Thích Ca Phật đài cao 10m, tôn trí tượng đức Phật Thích Ca bằng xi măng, cao 6m, tọa thiền trên đài sen.

17. Chùa Dược Sư ở Thôn Phú An, Xã Phú Hội, Huyện Đức Trọng, Lâm Đồng

Tượng Phật Dược Sư ở chùa Dược Sư (Lâm Đồng)

  18. Thiền viện Vạn Hạnh tọa lạc ở số 39 đường Phù Đổng Thiên Vương, phường 8, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.


Ở sân trước thiền viện có tượng đức Phật Thích Ca "niêm hoa vi tiếu" được đúc bằng xi măng và bê tông cốt thép, cao 24m, rộng 20m, nặng trên 60 tấn, được xây dựng vào ngày 14-4-2002. Dưới đài sen là ngọn giả sơn, bên trong có hang động.

  19.  Chùa Huệ Nghiêm tọa lạc ở Khu phố 2, đường Đỗ Năng Tế, phường An Lạc A, quận Bình Tân,Saigon




Sân trước chùa tôn trí pho tượng nghệ thuật của điêu khắc gia Lê Thành Nhơn tạo tác từ năm 1974 đến năm 1979, đó là tượng đức Phật Thích Ca lộ thiên bằng xi măng cao 4,5m, ngang gối 4,5m.

20. Bát Bửu Phật Đài thường gọi là chùa Phật Cô Đơn, tọa lạc ở xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh,Saigon.




Phật đài kiến trúc hình bát giác, cao 3m. Trên đài, tôn trí tượng đức Phật Thích Ca cao 7m, nặng 4 tấn, khoảng cách ngang gối 4,6m, do điêu khắc gia Nguyễn Thanh Thu thực hiện năm 1957, được an vị vào ngày 22-8-1961.

21. Thiền viện Nguyên Thủy tọa lạc tại số 33A đường 10, khu phố 1, phường Cát Lái, quận 2,SAIGON



Vào năm 1972, thiền viện đã xây dựng và an vị ở chánh điện tượng đức Phật Thích Ca bằng xi măng thếp vàng 24 karat, cao 6,3m (tượng cao 4,5m, bệ cao 1,8m), ngang gối 3,3m, bên trong có tôn trí 3 viên ngọc Xá Lợi Phật. Pho tượng được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 31-5-2007.

22. Chùa Long Hương tọa lạc ở xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai.



Trên ngọn đồi phía sau ngôi chánh điện, chùa tôn trí pho tượng đức Phật Thích Ca lộ thiên bằng xi măng cao 14m vào năm 1996.

23. Thiền viện Phước Sơn tọa lạc ở đồi Lá Giang, 368 ấp Tân Cang, xã Phước Tân, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.

 




Tượng đức Bổn sư được tạo tác vào năm 2010 bằng xi măng, cao 9,999m là pho tượng Phật lớn nhất Việt Nam được tôn trí trong điện Phật, đã được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 11-8-2011. Thiền viện tôn trí khá nhiều pho tượng Thích Ca lộ thiên, pho tượng đức Phật Thích Ca đi bát cao 13m bằng xi măng, đã được xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2010.

24. Chùa Bạch Liên tọa lạc ở xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
 



Chùa có vườn tượng Phật lộ thiên lớn nhất Việt Nam, được xây dựng trong 2 năm 1996 - 1998. Đó là các nhóm tượng giới thiệu cuộc đời đức Phật Thích Ca : Đản sanh, xuất gia, tu khổ hạnh, chuyển Pháp luân, nhập Niết bàn ... Vườn tượng đã được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 31-5-2007.

25. Thích Ca Phật Đài - Vũng Tàu tọa lạc trên sườn núi Lớn, số 610 đường Trần Phú, phường 5, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.



Khu danh thắng này gồm chùa Thiền Lâm và nhiều pho tượng Phật lộ thiên lớn mô tả cuộc đời đức Phật Thích Ca, tiêu biểu là tượng đức Phật Thành đạo ngự trên đài bát giác cao 11,6m (đài cao 4,5m, tòa sen cao 2m, tượng cao 5,1m), bên trong có tôn trí 3 viên ngọc Xá Lợi Phật vào ngày 18-8-1962. Đại tượng được khánh thành ngày 10-3-1963, Phật lịch 2.506.

26. Niết Bàn Tịnh xá tọa lạc bên triền núi Nhỏ, số 66/7 đường Hạ Long, phường 1, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
 



Điện Phật tôn trí tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn màu hồng thạch, dài 12m đặt trên bệ thờ cao 2,5m. Gan bàn chân đức Phật được khắc 52 điểm ấn. Tượng nằm nghiêng, mặt hướng Tây Trúc, đầu gối lên tay phải, hướng Bắc, chân duỗi thẳng hướng Nam. Sau lưng pho tượng là quang cảnh thiên nhiên xanh tươi, nổi bậc với 2 cây Long Thọ, được đắp nổi nhiều lớp, chạm vẽ công phu.

27. Chùa Quan Âm tọa lạc ở cây số 10, ấp Long Thới B, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.
   

Ở sân trước chùa có tôn trí một pho tượng đại Phật Thích Ca nhập Niết bàn bằng xi măng, dài 32m, nặng 100 tấn. Lễ an vị Phật đã được tổ chức trọng thể vào ngày 22 và 23-12-2008.

28. Chùa Hội Khánh tọa lạc ở số 29 đường Chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.



Chùa có nhiều pho tượng lộ thiên, như Phật đài Thích Ca cao 5,1m được xây dựng năm 2002. Đặc biệt, vào ngày 30-3-2010, chùa đã tổ chức khánh thành trọng thể Phật Đài Thích Ca quy mô lớn, cao 22m ở khu đất trước chùa. Tầng trệt là dãy nhà chiều dài 64m, chiều ngang 23m dùng làm trường Phật học và thư viện. Tầng trên tôn trí đại tượng đức Phật Thích Ca nhập Niết bàn bằng xi măng, cao 12m, dài 52m do 2 kiến trúc sư Phạm Văn Thịnh, Trần Văn Pháp vẽ bản thiết kế; điêu khắc gia Trần Quang Thái thực hiện. Pho tượng đã được xác lập kỷ lục Việt Nam ngày 30-3-2010.

29. Núi Cấm, An Giang
Tượng Phật Di lặc trên đỉnh núi lớn nhất (núi Cấm – An Giang

 


Bức tượng cao hơn 33 m nằm trong khuôn viên rộng hơn 2 ha trên núi Thiên Cấm Sơn hùng vĩ, thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên (An Giang) được hoàn thành cuối năm 2005.

Diện tích bệ tượng 27x27 m, tổng trọng lượng cả nền và tượng lên đến gần 1.700 tấn. Chân đế bệ tượng làm bằng đá gắn kính phản xạ cao cấp màu xanh ve mang ý nghĩa một khối kim cương. Du khách đứng ở vị trí nào trên núi Cấm cũng thấy được tượng Phật Di Lặc màu trắng sáng, ngồi uy nghiêm giữa không gian xanh ngát với nụ cười hiền hậu.


 



QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT TẠI VIỆT NAM


































 Quan Thế Âm bồ tát. Tượng Thiên thủ thiên nhãn tại Việt Nam

 

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn
CHÙA SÙNG NGHIÊM
Chùa thường gọi là chùa Mía, tọa lạc ở xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, thành phố Hà Nội.
Chùa có 287 pho tượng cổ. Pho tượng Quan Âm Tống Tử thường gọi là tượng Bà Thị Kính, cao 0,76m, là một tuyệt tác điêu khắc cổ của dân tộc. Tượng diễn tả một phụ nữ thùy mị, hiền hậu ẵm một đứa bé kháu khỉnh với đường nét chạm khắc mềm mại, sinh động đã đi vào ca dao:
Nổi danh chùa Mía làng ta,
Có pho Tống Tử Phật Bà Quan Âm

Chùa đã được xác lập kỷ lục ngày 04-5-2006 là nơi lưu giữ nhiều pho tượng nghệ thuật nhất Việt Nam.



Tượng Quan Âm Tống Tử

CHÙA TÂY PHƯƠNG
Chùa có tên là Sùng Phúc Tự, tọa lạc trên núi Tây Phương, thuộc xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, thành phố Hà Nội.
Chùa nổi tiếng xưa nay về mặt kiến trúc và hệ thống tượng thờ. Nhiều pho tượng bằng gỗ sơn son thếp vàng của chùa là những tác phẩm điêu khắc xuất sắc của dân tộc ở các thế kỷ 17, 18 và 19. Pho tượng Quan Âm trăm tay được Tỳ kheo trụ trì Thích Thanh Ngọc cho tạc vào năm 1893 trong đợt trùng tu ngôi chùa.


Tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm
CHÙA HƯƠNG
Hương Sơn là một khu vực rộng lớn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Ở đây có nhiều chùa, động nổi tiếng như : chùa Thiên Trù, chùa Tiên Sơn, chùa Thanh Sơn, động Hương Tích, động Long Vân, động Đại Binh …
Chùa có pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm trong động Hương Tích bằng đá xanh liền khối, cao 1,12m, được tạc vào thời Tây Sơn, nổi tiếng linh thiêng.


Tượng Bồ tát Quán Thế Âm trong động Hương Tích
CHÙA MỄ SỞ
Chùa có tên là Diễn Phúc Tự, tọa lạc ở xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Chùa có một kiệt tác điêu khắc cổ Việt Nam, đó là pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn. Tượng bằng gỗ, cao 2,80m, bệ cao 0,53m, có số lượng tay hơn 1.000 (1.113 tay) được ghép thành hình vòng cung; đặc biệt có một đôi tay ở sau lưng tượng, tạo thành không gian đa chiều của pho tượng.



Tượng Bồ tát Quán Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn

CHÙA BÚT THÁP
Chùa có tên là Ninh Phúc Tự, tọa lạc ở bên đê sông Đuống, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Chùa có một kiệt tác của mỹ thuật cổ Việt Nam là Bảo tượng Bồ tát Quán Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn bằng gỗ sơn son thếp vàng do nhà điêu khắc họ Trương tạc vào năm Bính Thân (1656). Tượng có chiều cao 3,42m (trong đó đầu rồng đội tòa sen cao 0,30m, bệ tượng cao 0,54m); chiều ngang của hai cánh tay xa nhất là 2m; chiều cao của vành tay phụ là 3,70m và đường kính của vành tay phụ là 2,24m. Pho tượng đã được xác lập kỷ lục ngày 04-5-2006 là Bảo tượng Bồ tát Quán Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn bằng gỗ lớn nhất Việt Nam.

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn

CHÙA BÁI ĐÍNH
Chùa tọa lạc ở xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Chùa được xây dựng quy mô lớn, kỳ mỹ nhất nước. Chùa có điện Quan Âm, trong đó bảo tượng Bồ tát Quán Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn bằng đồng đúc nguyên khối mạ vàng, nặng 90 tấn, cao 11,45m.


Điện thờ Bồ tát Quán Thế Âm Thiên thủ Thiên nhãn

CHÙA HÀ TRUNG
Chùa tọa lạc ở làng Hà Trung, xã Vinh Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Chùa có pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng sa thạch cao 2,46m (phần tượng cao 1,36m, ngang gối 0,87m), được các nghệ nhân Trung Hoa đầu đời Thanh chạm trỗ tinh xảo. Pho tượng đã được xác lập kỷ lục ngày 05-5-2008 là pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng sa thạch xưa và lớn nhất Việt Nam.

 
Tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm

ĐÀI QUAN ÂM
Đài Quan Âm tọa lạc trên núi Tứ Tượng, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm được xây dựng vào năm 1969, trùng tu năm 1999. Tượng Bồ tát cao 14m, đài cao 7m trọng lượng 24,6 tấn xi măng. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đang xây dựng khu du lịch tâm linh Bồ tát Quán Thế Âm tại đây.


Tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm

CHÙA LINH ỨNG
Có 3 ngôi chùa Linh Ứng nổi tiếng ở 3 danh thắng du lịch thành phố Đà Nẵng : chùa Linh Ứng - Ngũ Hành Sơn, chùa Linh Ứng - Bà Nà và chùa Linh Ứng - Bãi Bụt.
Đặc biệt, trước chùa Linh Ứng - Bãi Bụt tôn trí pho đại tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng xi măng cốt sắt cao 67m, đường kính tòa sen rộng 35m, được khánh thành vào ngày 30-7-2010, là pho tượng Quán Thế Âm lớn nhất nước ta hiện nay. Tượng đứng tựa vào núi, mặt hướng ra biển; trong lòng tượng có 17 tầng, mỗi tầng đều có bàn thờ Bồ tát Quán Thế Âm với hình dáng, tư thế khác nhau.


Đại tượng Bồ tát Quán Thế Âm

TU VIỆN GIÁC HẢI
Tu viện tọa lạc trên núi Phổ Đà, xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Chùa còn giữ một số pho tượng cổ như tượng đức Phật Thích Ca bằng gỗ và tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đồng thếp vàng. Sân sau tu viện có điện Quan Âm thờ tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá hoa cương, nổi tiếng linh thiêng :
Vạn Ninh có núi Phổ Đà,
Có chùa Giác Hải, có tòa Quan Âm.




Điện Quan Âm

TRÚC LÂM TỊNH VIỆN
Tịnh viện tọa lạc trên đỉnh núi của mũi đảo Hòn Tre, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Chùa tôn trí 72 pho tượng chư Phật, Bồ tát, Hộ Pháp, La Hán … bằng gỗ thếp vàng được an vị vào tháng 9-2008. Đặc biệt, ở Quan Âm Các bên phải chùa, pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá trắng nặng 10 tấn, cao 14m, đứng trên đài sen được dựng trên một bệ đá hình ngọn sóng, nét mặt thanh tú, bao dung, nhìn ra biển cả.


Tượng đài Bồ tát Quán Thế Âm

CHÙA LINH PHƯỚC
Chùa tọa lạc ở số 120 đường Tự Phước, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Trong lễ hội Festival Hoa Đà Lạt 2010, chùa đã thực hiện một pho tượng Phật hoa cao 18m (thân tượng cao 15,5m, tòa sen và đế cao 1,5m, hào quang cao 1m). Tượng Bồ tát Quán Thế Âm được kết bằng 800.000 bông hoa bất tử (khoảng 2,5 tấn) do 600 Phật tử và 30 nghệ nhân thực hiện trong khoảng 20 ngày. Pho tượng đã được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng hoa bất tử

CHÙA HUÊ NGHIÊM 2
Chùa tọa lạc ở số 299B đường Lương Định Của, quận 2, SAIGON.
Bên phải ngôi chánh điện tôn trí pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 12m (tượng cao 8m, đài cao 4m) bằng đá hoa cương nguyên khối nặng 60 tấn do Hòa thượng Thích Tịnh Từ (Viện chủ Tu viện Kim Sơn tại Hoa Kỳ) cúng dường năm 2003. Pho tượng đã được xác lập kỷ lục ngày 23-10-2007 là pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá hoa cương nguyên khối lớn nhất Việt Nam.



Tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm

CHÙA LONG HOA
Chùa tọa lạc ở số 360A Bến Bình Đông, phường 15, quận 8,SAIGON
Ở Quan Âm Các, chùa  tôn trí tượng Bồ tát Quán Thế Âm và 3.000 pho tượng Quan Âm nhỏ.


Quan Âm Các


CHÙA NHƯ LAI
Chùa tọa lạc ở số 229A đường Nguyễn Thái Sơn, phường 5, quận Gò Vấp SAIGON
Pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng gỗ ở điện Phật cao 4m, ngang gối 2,2m được tạo tác vào năm 2007.



Tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm


CHÙA PHÁP HOA
Chùa tọa lạc ở số 229/24B đường Thích Quảng Đức, phường 4, quận Phú Nhuận,SAIGON
Điện Phật được chùa thiết kế trang nghiêm và tráng lệ. Chùa có nhiều bảo tượng Bồ tát Quán Thế Âm được tạo tác bằng nhiều chất liệu như gỗ, đồng, gốm, ngà … mang tính mỹ thuật, trong đó có nhiều pho tượng cổ.



Tượng Bồ tát Quán Thế Âm (bằng gốm)


CHÙA PHỔ QUANG
Chùa tọa lạc ở số 64/3 đường Huỳnh Lan Khanh (đường Phổ Quang cũ), quận Tân Bình,  SAIGON Chùa hiện đặt văn phòng 2 Thành hội Phật giáo thành phố Hồ Chí Minh.
Ở sân trước chùa có động Quan Âm nổi tiếng linh thiêng.


Động Quan Âm

CHÙA PHƯỚC HÒA
Chùa tọa lạc ở số 491/14/5 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 3, quận 3,SAIGON
Chùa thờ đức Phật Bổn sư Thích Ca, Bồ tát Quán Thế Âm và Bồ tát Địa Tạng. Đây là 3 pho tượng gỗ mỹ thuật nổi tiếng ở thành phố được nghệ nhân Nguyễn Đức Thống tạo tác từ năm 1960 đến năm 1962.


Bàn thờ Bồ tát Quán Thế Âm

CHÙA QUÁN THẾ ÂM
Chùa tọa lạc ở số 90 đường Thích Quảng Đức, quận Phú Nhuận, SAIGON
Chùa có hòn giả sơn cao hơn 20m mang tên An Lạc Sơn thờ tượng Bạch Y Quan Âm. Năm 1991, An Lạc Sơn được trùng tu, tôn trí pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm Thập Nhất Diện bằng đá hoa cương màu hồng. Tượng cao 3,20m, nặng 5 tấn do điêu khắc gia Lý Dũng cùng nhóm thợ thực hiện. Đây là pho thuật mỹ thuật nổi tiếng ở thành phố.


Tượng Bồ tát Quán Thế Âm Thập Nhất Diện

CHÙA THIÊN TÔN
Chùa tọa lạc ở số 117/3/2 đường An Bình, phường 6, quận 5, SAIGON.
Chùa có pho tượng Quan Âm Ngư Lam bằng gốm sứ cao 1,04m.


Tượng Quan Âm Ngư Lam

TỊNH XÁ TRUNG TÂM
Tịnh xá tọa lạc ở số 21 đường Nguyễn Trung Trực, quận Bình Thạnh, SAIGON.
Tịnh xá thuộc Hệ phái Phật giáo Khất sĩ. Ở sân trước tịnh xá, tôn trí bảo tượng Bồ tát Quán Thế Âm đứng trên tòa sen cao 13,50m, hai bên có cặp rồng chầu, mỗi con dài 12m; phía sau bảo tượng là một ngọn giả sơn cao khoảng 15m được xây dựng như núi Phổ Đà thu nhỏ.


Tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm


CHÙA XÁ LỢI
Chùa tọa lạc ở số 89 đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, SAIGON
Chùa được xây dựng vào năm 1956. Ở sân bên trái ngôi chánh điện có cây Bồ đề do ông Trần Văn Hậu mang về từ Colombo thay thế cây Bồ đề do Ngài Narada mang từ Tích Lan sang tặng chùa năm 1953 đã bị chết. Bên cạnh cây Bồ đề là đài thờ Bồ tát Quán Thế Âm.



Đài thờ Bồ tát Quán Thế Âm               

CHÙA PHẬT TÍCH TÒNG LÂM
Chùa tọa lạc ở ấp Thanh Nguyên, xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Ở sân trước chùa có hồ sen, giữa hồ tôn trí bảo tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 12m vào năm 1963.


Tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm


QUAN ÂM TU VIỆN
Tu viện tọa lạc ở số K2/77 phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Tu viện có tôn trí bảo tượng Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn bằng gỗ cao 3,5m; đặc biệt là tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm bằng đá trắng cao 7m thờ trong Bảo tháp Huyền Diệu Quán Thế Âm cao 14m được Tu viện kiến lập năm 1968.

Bảo tháp Huyền Diệu Quán Thế Âm

CHÙA VẠN LINH
Chùa tọa lạc ở độ cao 550m trên núi Cấm thuộc xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.
Ở sân trước chùa có Bảo Các Quan Âm cao 41,50m tôn trí chư Phật, Bồ tát bằng đá quý Thanh Hóa do nghệ nhân Mai Đình Hữu thực hiện những năm 2000 - 2003. Tầng 7 thờ Xá Lợi đức Phật, tầng 6 thờ Bồ tát Quán Thế Âm, tầng 5 thờ Bồ tát Đại Thế Chí, tầng 4 thờ Bồ tát Văn Thù, tầng 3 thờ Bồ tát Phổ Hiền, tầng 2 thờ Bồ tát Địa Tạng, tầng 1 thờ Bồ tát Di Lặc. Tầng trệt thờ Bồ tát Quán Thế Âm.


Bảo Các Quan Âm


CHÙA TAM BẢO - HÀ TIÊN
Chùa tọa lạc ở số 75 đường Phương Thành, phường Bình San, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.
Sân trước chùa có pho tượng Bồ tát Quán Thế Âm lộ thiên cao 5m, nặng 7 tấn được tôn tạo năm 1974.


Tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm


QUAN ÂM PHẬT ĐÀI - BẠC LIÊU
Phật đài tọa lạc tại đường Bạch Đằng, khóm Bờ Tây, phường Nhà Mát, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.
Phật Đài bao gồm nhiều công trình kiến trúc như cổng tam quan, chánh điện, điện Thiên thủ Thiên nhãn, tăng xá … được xây dựng từ năm 2004 trên diện tích 250.000 m2. Trung tâm của Phật Đài là tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm. Tượng Bồ tát cao 11m (chưa kể bệ tượng), được thực hiện vào năm 1973 hoàn thành vào năm 1975.


Tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm


CHÙA VẠN PHẬT QUANG ĐẠI TÒNG LÂM
Chùa tọa lạc ở thị trấn Phú Mỹ, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chùa có ngôi chánh điện lớn nhất Việt Nam. Ngày 20-12-2010, chùa đã tổ chức Lễ an vị tượng Tam Thánh Cực Lạc bằng đá hoa cương. Bộ tượng được tạc trong hai năm 2009-2010 từ 1.000 tấn đá hoa cương gồm : tượng đức Phật A Di Đà cao 15m, bệ cao 2,4m và hai tượng Bồ tát Quán Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí, mỗi tượng cao 13,7m. Trọng lượng ba tượng là 580 tấn. Chùa còn có nhiều pho tượng, vườn tượng lộ thiên, đặc biệt là tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm, một tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng cao 17m, đứng trên đầu rồng.


Tôn tượng Bồ tát Quán Thế Âm

CHÙA HẢI VÂN
Chùa tọa lạc ở số 74 đường Hạ Long, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Chùa có ngôi Quan Âm Bảo Điện lớn được xây dựng trên sườn núi, hướng ra biển Đông. Công trình được khởi công vào năm 1990, hoàn thành năm 1992. Tượng Bồ tát Quán Thế Âm cao 6m đứng trên đài sen cao 1,2m, tay phải bắt quyết, tay trái cầm bình nước cam lồ, thể hiện tâm nguyện từ bi, cứu khổ ban vui cho chúng sanh.


Quan Âm Bảo Điện


  7. TRUNG QUỐC

Đại tượng Phật Leshan Giant Buddha, Trung Quốc – Tứ Xuyên, Trung Quốc

 Đại tượng Phật Leshan Giant Buddha, Trung Quốc - Tứ Xuyên, Trung Quốc
Tượng Phật Leshan Giant Buddha hay Đại tượng Phật Lạc Sơn là bức tượng khổng lồ chạm khắc trực tiếp vào quả núi đá vĩ đại ở tỉnh Tứ Xuyên, miền Tây Trung Quốc.

 
Nằm cách 30 km về phía nam của thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, tượng Phật Quan Âm cao 40,8 m này là bức tượng đồng mạ vàng cao nhất thế giới. Tượng được hoàn thiện vào năm 1994.

Bức tượng Linh Sơn Đại Phật được hoàn thiện vào năm 1996 với chiều cao 88 m, là trung tâm văn hóa, du lịch tâm linh của tỉnh Giang Tô, thu hút đông dảo khách tham quan trong và ngoài nước đến chiêm ngưỡng, lễ bái hàng năm. Bức tượng này tạc hình Phật tổ Thích Ca Mâu Ni.
Xijiaoshan Kwan-yin Statue is 61.9 meters high, situated on the top of a hill in Foshan city, South China's Guangdong province. It was completed in 1998 as the highest sitting Kwan-yin statue.

Tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 61,9 m được đặt trên đỉnh một ngọn đồi ở thành phố Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông. Nó được hoàn thành vào năm 1998 và trở thành bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát ngồi cao nhất thế giới.
The giant Kwan-yin statue is 108 meters high, located at Nanshan Temple in Sanya, South China's Hainan province. It was built in April 2005. [Photo/Asianewsphoto]

Bức tượng Quan Thế Âm Bồ Tát cao 108 m đặt tại thành phố du lịch Tam Á, tỉnh đảo Hải Nam. Bức tượng này được hoàn thiện vào tháng 4/2005.

Tượng Phổ Hiền Bồ Tát cưỡi voi trên Kim Đỉnh, tọa lạc trên Nga Mi Sơn, tỉnh Tứ Xuyên, được hoàn thiện vào tháng 5/2006 với chiều cao 48 m. Bức tượng này tượng trưng cho sự thông tuệ vượt qua cám dỗ của các giác quan. Tượng được tạc 10 đầu để đón gió lành đến từ thập phương.

Trung Nguyên Đại Phật được xây dựng trong quần thể kiến trúc ở chân núi Nghiêu Sơn thuộc hương Triệu Thôn, huyện Lỗ Sơn, Hà Nam, Trung Quốc. Được hoàn thiện vào năm 2008, với chiều cao 128 m, bao gồm cả tòa sen cao 20 m, Trung Nguyên Đại Phật trở thành bức tượng Phật cao nhất thế giới. Nếu tính thêm cả phần lối lên và tòa nhà ở chân đế thì tổng chiều cao của bức tượng lên tới 153 m.

Bức tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay được hoàn thành vào năm 2009 tọa lạc ở Vi Sơn, tỉnh Hồ Nam. Bức tượng này cao 99 m.
Chùa Phật Quang Sơn, Qúy khách được chiêm ngưỡng tượng Phật mạ vàng cao 120m cùng với 480 bức tượng Phật 
 




Hình ảnh ban đầu của Phật Di Lặc

Phật Di Lặc được coi là vị Phật thứ 5, vị Phật cuối cùng sẽ xuất hiện trên trái đất sau khoảng 30.000 năm nữa, thay thế Phật Thích ca Mâu Ni. Trong Phật giáo Tây Tạng, Di Lặc được thờ cúng rất rộng rãi. Ở thế giới hiện đại, hình ảnh vị Phật này hiện hữu khắp mọi nơi: cửa hàng, khách sạn, nhà riêng, chùa chiền.
Trong tranh tượng, Phật Di Lặc thường ngồi trên ngai vàng, chân bắt chéo hoặc đặt xuống sàn, với hàm ý sẵn sàng đứng dậy đi giáo hóa chúng sinh. Ở những hình ảnh ban đầu, Di Lặc được mô tả như một vị hoàng tử thanh mảnh, tuấn tú, thường mặc trang phục hoàng gia Ấn Độ.
Tại Trung Quốc, Phật Di Lặc hay được trình bày với dáng vẻ mập mạp, hiền hòa, tự tại, miệng tươi cười, bụng phơi ra, trẻ con đeo xung quanh.

phật di lặc và trẻ em
Phật di lặc và trẻ em



tranh thêu chữ thập phật di lặc


tranh chữ thập phật di lặc

Phật Di Lặc


 Quan Thế Âm bồ tát
 
 Quan Thế Âm bồ tát




Quan Thế Âm bồ tát

 
 Quan Thế Âm bồ tát


 
 Mang tên “Iron Man” ( Người sắt ), bức tượng minh họa hình ảnh của Ngài Vaisravana ( Đa Văn thiên vương ), vị thần trấn phương Bắc và đứng đầu trong Tứ Đại Thiên Vương trong tôn giáo truyền thống Đạo Giáo và Phật Giáo Trung Quốc. Sau khi được mang về Munich vào năm 1938, bức tượng được cất giữ trong một bộ sưu tập riêng của tư nhân và chỉ qua tay các nhà khoa học phân tích sau khi được đem đấu giá năm 2007.



  Đạt Ma sư tổ


TƯỢNG PHẬT TẠI HONGKONG


Đại tượng Phật bằng đồng ở tư thế ngồi cao nhất thế giới trên đảo Lantau Hongkong



Đại tượng Phật cao 34 m, xây dựng trong 10 năm mới hoàn thành. Tượng nặng 250 tấn, được khai quang vào năm 1993






Đức Phật khổng lồ, đại diện cho các mối quan hệ tốt đẹp giữa con người và thiên nhiên, con người và tôn giáo, đang trở thành một điểm du lịch nổi tiếng ở Hồng Kông nhờ kiến trúc tuyệt vời của nó. Hơn nữa, nơi đây cũng là trung tâm của Phật giáo tại Hồng Kông. Để có thể chiêm ngưỡng được vẽ đẹp tuyệt vời của đảo Lantau, bạn phải sẵn sàng để leo lên 268 bật thang, và từ đó đứng dưới chân Đức Phật ngắm nhìn quan cảnh xung quanh.




Tượng Phật hùng vĩ xen giữa thiên nhiên rộng lớn tôn lên sự linh thiên cho vùng đất Đại Nhĩ Sơn Hồng Kông. Vào ngày Đức Phật ,Hồng Kông thu hút rất nhiều tín đồ đạo Phật đến đây


 

Ngoài ra du khách còn được đến tu viện Po Lin. Po Lin Monastery nằm ở đối diện của Đức Phật khổng lồ là một trong những là nơi quan trọng nhất của Phật giáo tại Hồng Kông. chờ đợi gì nữa nào?

TƯỢNG PHẬT TẠI ĐÀI LOAN

Đất Phật ở Đài Loan 4

Tại thánh địa Phật giáo này, có hàng ngàn pho tượng Phật được sắp đặt liền kề nhau 

Đất Phật ở Đài Loan 5
Pho tượng phật lớn nhất được chọn đặt ở vị trí cao nhất trong khuôn viên Phật Quang Sơn



8. NHẬT BẢN

Tượng Phật lớn, ở Kamakura, thuộc tỉnh Kanagawa, cách Tokyo khoảng 50 km.

Tượng Phật lớn, ở Kamakura, thuộc tỉnh Kanagawa, cách Tokyo khoảng 50 km.




Chùa Nam Tạng Viện nằm ở thủ đô Tokyo Nhật Bản khởi công đúc tôn tượng Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập Níp- bàn, hoàn thành vào năm 1995.
Tượng có chiều dài 41m, cao 11m, được đúc bằng đồng nặng 300 tấn lớn nhất thế giới.
Bên trong bức tượng có lối đi vào. Mọi người tin rằng đi vào bên trong cơ thể của Ðức Phật, chạm vào trái tim của Ngài sẽ được may mắn, bình an, hạnh phúc và nếm được hương vị của cảnh giới Niết Bàn trong giây phút hiện tại.
Trong ngày Khai quang tôn tượng có 1300 nhà sư từ khắp nơi trên thế giới về tham dự. Nơi đây là một trong ba địa điểm thiêng liêng của Shikoku ở Nhật Bản. Mỗi năm có khoảng 1,2 triệu người đến chiêm bái và hành hương.




 





http://minhhanhdp.brinkster.net/HanhTrinhVePhuongDong/hinh%20anh/AD08.jpg



Bộ tượng Di Đà tam tôn (Phật A Di Đà, Bồ tát Quan Thế Âm, Bồ tát Đại Thế Chí), có niên đại thế kỷ thứ VIII, chất liệu đồng, tôn trí tại Hōryūji (chùa Pháp Long), một trong những kiệt tác điêu khắc đồng của Phật giáo Nhật Bản.







phattuong-2.gif





9.THÁI LAN

Tượng Phật Emerald Buddha, Thái Lan

Tượng Phật Emerald Buddha, Thái Lan
Đây là bức tượng khoác y phục bằng vàng đặt trong chùa Wat Phra Kaew (Chùa Phật Ngọc), trong khuôn viên Hoàng gia Grand Palace của Thái Lan. Bức tượng nổi tiếng bởi nó được chế tác từ đá ngọc xanh nguyên khối. Tượng có 3 bộ y phục bằng vàng được nhà vua Thái Lan thay vào các dịp lễ hội theo quy định.

CHÙA WAT PHO
 du-lich-thai-lan



Trong chùa có trên 349 bức tượng Phật mạ vàng ngồi xếp hàng xếp lớp uy nghi tuyệt đẹp.


Tiếp tục con đường đến với tượng Phật nằm, trên dọc những bức tường chúng ta có thể thấy treo những tấm thẻ bài ghi lại các phương thức chế biến các bài thuốc chữa bệnh khác nhau cho mọi người cùng tìm hiểu để biết rằng : y học dân tộc là của tất cả nhân loại, không có gì là bí truyền cả.

Đến với điểm đặc sắc nhất của Wat pho – tượng Phật nằm trong tư thế nhập niết bàn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng một nghệ thuật độc đáo và một giá trị tín ngưỡng sâu đậm. Tượng Phật dài 46m , cao 15m , toàn thân được dát những lá vàng mỏng, nằm uy nghi trên chiếc bệ cao dát vàng. Mắt và chân tượng được làm bằng gỗ khảm xà cừ ( Mother of God ). Dưới lòng bàn chân tượng Phật có 108 cảnh điềm lành (có nơi gọi là 108 tướng tốt của Phật Thích Ca Mâu Ni ) được khảm xà cừ.




du-lich-thai-lan

du-lich-thai-lan

Chùa Wat Pho nằm trên đảo Rattanakosin thuộc địa phận Bangkok, du khách có thể đến đây bằng cả đường bộ và đường thuỷ. Một điều cần lưu ý nữa là khi đến đây , bạn phải tuân thủ nghiêm túc qui định về trang phục : tất cả đều phải mặc áo quần dài

TƯỢNG PHẬT TẠI THÁI LAN

















10. ĐẠI HÀN



 Đền Manggyeongsa
 Đền Manggyeongsa nằm trên đỉnh núi Taebaek, có độ cao tới 1.460 mét. Tương truyền, bức tượng đá của Phật Bodhisattva đã bất ngờ xuất hiện trên đỉnh núi mà không rõ xuất xứ từ đâu. Jajang, một nhà sư dưới triều đại Silla (từ năm 57 trước công nguyên tới năm 935 sau công nguyên) đã cho xây dựng ngôi đền để thờ cúng bức tượng. Du khách tới thăm đền Manggyeongsa còn được tắm trong dòng suối Long, suối nước nóng ở địa thế cao nhất Hàn Quốc.

Đền Manggyeongsa hàn quốc









 phattuong-1.gif

11. LÀO- Vườn tượng Phật (Buddha Park)


Cách đây 50 năm, pháp sư Bounlua Suliat đã chọn địa điểm ven dòng Mekong, cách thủ đô Viêng Chăn (Lào) chưa đầy 25km về hướng đông để thực hiện công trình nghệ thuật.Công trình có sự hoà trộn giữa Hindu giáo, Phật giáo bằng ngôn ngữ điêu khắc, tạo thành một quần thể tượng Phật tên gọi Wat Xiengkuane, người đời quen gọi là “Vườn tượng Phật”.

Dân số nước Lào ở vào nhóm ít nhất thế giới, nhưng tính tỷ lệ chùa trên đầu người dân thì vào loại cao nhất: 1.400 ngôi chùa/6 triệu dân. Các tour đưa khách đến Lào ngoài tìm hiểu lịch sử, văn hoá Lào với Bảo tàng Quốc gia và Patuxai (Khải Hoàn Môn) thì chủ yếu là thăm chùa tháp và sinh hoạt Phật giáo.





Đặc biệt khi đến thủ đô Viên Chăn, hầu như tour nào cũng đưa khách đến Buddha Park (công viên tượng Phật). Đường đi đến vườn Chư Phật chạy men theo bờ sông Mekong, phía trên cửa khẩu Nongkhai, cách trung tâm Viên Chăn khoảng 25km.








Bạn sẽ thích thú với cảnh vật thanh bình, bên phải là vườn, rừng, suối róc rách, bên trái là Mekong mênh mang. Vườn Chư Phật hay còn gọi nôm na là bãi Phật (Buddha Park) là một quần thể gồm hàng trăm bức tượng được đúc theo Phật thoại.



Buddha Park Lào


Buddha Park còn có tên gọi khác là Xieng Khuan, được tu sĩ Luang Pu Bunleua Sulilat (1932-1996) quyên góp, xây dựng vào năm 1958. Sau cuộc cách mạng năm 1975 tu sĩ Luang Pu Bunleua Sulilat sang Thái Lan định cư và tiếp tục xây dựng một công trình tương tự nhưng quy mô lớn hơn. Đó là Sala Keoku (còn gọi là Wat Khaek) nằm cách Nong Khai 3km về phía đông.







Trong công viên Xieng Khuan có hơn 200 bức tượng Phật và các vị thần Hindu giáo. Ngoài tượng Phật, tượng thần còn có một số linh vật, ác quỷ, con người (nhạc công, vũ nữ). Các tác phẩm nghệ thuật này được đúc bằng xi măng.









Ở đây có một công trình lớn được gọi là động âm phủ, mang hình dáng một quả bí ngô khổng lồ. Du khách có thể vào động tham quan. Cửa động là miệng của một con ác qủy cao hơn 2 mét. Bạn có thể đi vào bên trong và trèo lên cầu thang lên tham quan từng tầng.



Có ba tầng tượng trưng cho Địa ngục, Trần gian và Thiên đường. Trên đỉnh có điểm mà bạn có thể đứng quan sát toàn cảnh Buddha Park.



Bổ sung cho hình ảnh Đức Phật từ bi lúc nhập điện là hình ảnh thần Vishnu với chủ đề khuấy biển sữa cứu khổ nhân loại. Đó là hình ảnh thần Vishnu toạ trên mình con rắn vũ trụ nhiều đầu. Hình ảnh này du khách cũng bắt gặp ở rất nhiều công trình kiến trúc Phật giáo Theravada (hệ phái Nam tông), như là một cách lý giải về sự giao thoa của các nền văn hóa ở đất nước Lào. Cũng như các nước láng giềng: Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Lào chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn minh, văn hoá Ấn Độ từ rất sớm.






12. CAMBODIA


Kukiya – 
 Tượng Phật tại điện  Kukiya : Phật thiền định trong khi Ác ma tấn công Ngài.
 
  





Trước điệnKukyia ở lối vào vẽ cuộc đời  đức Phật



Tượng Đức Phật nhập Niết Bàn



Các tượng Phật  nhỏ đủ cở



Tượng Phật tại cửa vào trung tâm Phật giáo

 

Tượng đức Phât  khi ở rừng Palilay voi và khỉ dâng trái.



Tượng đức Phật  bắt ấn vô úy (Abhaya Mudra)(ព្រះអង្គប្រទានពរ)


Đức Phật bắt ấn Xúc địa ( Bhumisparsa Mudra)

Tại địện Kukiya có tượng Phật giác ngộ.

13. MÔNG CỔ

 
  Tượng Phật ở tu viện  Erdene Zuu monastery, Karakorum.



Nữ sơn thần


Hình Phật



Tượng BỒ Tát Avalokitesvara Megjid Janraisig cao 26,4 ở tu viên Gandan Tegchinling Monastery tại  Ulaanbaatar, Mong Cổ . Đây là tượng trong chùa cao nhất thế giới./

No comments:

Post a Comment