HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

HỒ CHÍ MINH HUYỀN THOẠI VÀ MẶT NẠ

http://giahoithutrang.blogspot.com/2012/06/ho-chi-minh.html

Thursday 27 March 2014

NGUYỄN THIÊN THỤ * ĐỊA ĐÀNG TẠI VIỆT NAM II






ĐỊA ĐÀNG TẠI VIỆT NAM 

LƯỢC SỬ VĂN HÓA VIỆT NAM
TỪ TIỀN SỬ ĐẾN THẾ KỶ XV

Từ lâu, người Việt Nam đã tự hào là có 4000 năm văn hiến, nhưng cũng có người cảm thấy xấu hổ vì nước ta thua kém người, bị người cai trị. Tản Đà than thở:

Dân hai muơi triệu, ai người lớn,
Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.


Trên thế giới, nhiều người mang tính tự hào dân tộc. Gần ta nhất là người Trung Quốc. Cái tên Trung Quốc là một sự tự hào. Trung là chính giữa, là trung tâm trái đất, trung tâm thế giới, là cái rốn của vũ trụ. Hoa là đẹp. Trung Hoa là một quốc gia có nền văn minh, văn hóa rực rỡ nhất nhân loại, là trung tâm thế giới, là thủ đô toàn cầu. Và sự kiêu căng càng rõ rệt khi họ gọi các nước ngoài trung nguyên của họ, không thuộc Hán tộc bằng những danh từ khinh bỉ:


-Các dân tộc ở phía Bắc sông Hoàng Hà thì gọi là Rợ hoặc Địch.
-Các dân tộc ở phía Đông thì gọi là Di.
-Các dân tộc ở phía Tây thì gọi là Nhung.
- Các dân tộc ở phía Nam sông Trường giang thì gọi là Man (Mọi).


Thời Mao, mặc dầu phải ngửa tay xin viện trợ Liên Xô, nhưng người Trung Quốc vẫn khinh miệt người Nga, coi Nga là man rợ. Người Âu Mỹ cũng vậy. Người Âu châu tự hào cho rằng dân Ấn độ có nguồn gốc dân Aryan da trắng từ châu Âu xâm nhập. Và văn minh Trung Quốc cũng do một nhóm châu Âu xâm nhập và truyền bá.


Từ trước, nhiều sử gia và nhà khảo cổ đã nghiên cứu về lịch sử nhân loại. Chúng ta có thể phân chia những học giả này thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là các học giả đã hiện diện từ trước, ta gọi là nhóm Ánh Sáng Cổ, chủ trương rằng văn hóa thế giới từ châu Phi truyền sang châu Âu, rồi từ phương bắc đi xuống phương nam.Người ta cho rằng Trung Đông, Ấn Độ, Trung Quốc là những trung tâm văn hóa sớm nhất nhân loại. Nhóm này gồm các sử gia và nhà khảo cổ Georges Coedès, Grahame Clark, Madeleine Colani. Còn nhóm thứ hai mới xuất hiện, ta gọi là nhóm Ánh Sáng Mới, gồm có Wilhelm Solheim II, Carl Sauer, Chester Gorman, Stephen Oppenheimer, Bình NguyênLộc… chủ trương rằng vùng Nam Đảo là trung tâm văn hóa nhân loại từ thời tiền sử mà Việt nam và Nam đảo vốn cùng chung một nguồn gốc.


Trong các sử gia và nhà khảo cổ trên, Wilhelm Solheim II, Stephen Oppenheimer là hai học giả nổi tiếng nhất. Stephen Oppenheimer đã làm thế giới chấn động vì những khám phá kỳ công và độc đáo lật ngược mọi thành quả khám phá từ trước với tác phẩm Eden in the East The Drowned Continent of Southeast Asia, Phenix, London, 1998, dày 560 trang. Nhan đề sách là Địa Đàng ở Phương Đông thì Phương Đông ở đây là vùng Đông Nam Á, hay vùng Nam Đảo hay Đa Đảo, còn Địa Đàng là nói về cuộc sống thần tiên, phát triển và thịnh vượng vào thuở bình minh của nhân loại. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ theo chân các nhà khảo cổ trình bày về văn hóa Đông Nam Á và văn hóa Việt Nam thời cổ.

I. VĂN HÓA ĐÔNG NAM Á THỜI TIỀN SỬ


Trong tác phẩm trên, Stephen Oppenheimer đã dùng khảo cổ, ngôn ngữ, di truyền học và thần thoại để chứng minh rằng Đông Nam Á là chốn Địa Đàng của thời tiền sử. Khởi đầu, ông chỉ trích các nhà khảo cổ trước đây quan niệm sai lầm rằng Ấn Độ, Trung Quốc truyền bá văn minh cho vùng Đông Nam Á (ĐĐ, 1)[1]. Ông cũng chỉ trich những cuộc khảo cứu cho rằng văn hóa truyền từ Tây sang Đông, và ông cho đó là một điều ngạo mạn (ĐĐ, 4).


Wilhelm Solheim II cũng đồng quan điểm với Stephen Oppenheimer phê phán đường lối sai lầm của các nhà khảo cổ trước đó đã tìm nguồn gốc văn minh thế giới tại Cận Đông, Ấn Độ và Trung Hoa mà chẳng để ý đến khu vực Đông Nam Á là nơi có nhiều bằng chứng xác thực[2] .

Ông bác bỏ luận thuyết cũ, nêu lên vài bằng chứng cụ thể:

-Điều hiển nhiên là người ta tìm thấy các chứng tích tại những nơi mà ngành khảo cổ đào xới trong vùng Đông Bắc và Tây Bắc Thái Lan, với những chứng minh hỗ trợ từ các cuộc đào xới ở Đài Loan, Nam và Bắc Việt Nam, các miền khác của Thái Lan, Malaixia, Philippin, và ở cả Bắc Úc Châu nữa.Các vật dụng đã tìm được và ước định tuổi bằng cacbon 14 là những di tích văn hóa của dân tộc mà tổ tiên họ đã biết phương pháp trồng cây, chế tạo đồ đá mài và đồ gốm sớm hơn các dân tộc Cận Đông, Ấn Độ và Trung Hoa tới cả hằng mấy ngàn năm.

- Năm 1952, ông Carl Sauer, một nhà địa chất học Mỹ, đi thêm một bước xa hơn nữa. Ông nêu giả thuyết là khoa trồng cây trên thế giới đã bắt nguồn trước tiên trong vùng Đông Nam Á. Ông cho rằng khoa trồng cây do một sắc dân mang lại đây trước thời kỳ Đông Sơn rất lâu, họ được biết tới dưới danh hiệu một nền văn hóa thô sơ gọi là văn hóa Hòa Bình.

-Năm 1963, ông cùng phái đoàn hỗn hợp của bộ Mỹ nghệ Thái Lan và trường Đại học Hawaii để tìm kiếm cổ vật ở miền Bắc Thái Lan, kết quả cho thấy:

Trong một chỗ đất chỉ rộng chừng 2,5cm2, có một mảnh đồ gốm có in vết vỏ của một hạt lúa, có niên đại muộn nhất là 3.500 năm trước công nguyên. Như vậy có nghĩa là trước cả ngàn năm so với những hạt lúa tìm thấy ở Ấn Độ và Trung Hoa cũng được xác định bằng phương pháp cacbon (mà trước đây, dựa vào đó các nhà khảo cổ đã cho rằng con người tại đây biết trồng lúa nước trước tiên).


Stephen Oppenheimer viết rằng Đông Nam Á là cái nôi của văn hóa loài người, đã làm nảy nở những nền văn hoá vĩ đại không chỉ ở Viễn Đông mà còn ở Trung và Cận Đông hơn 7000 năm về trước, đồng thời mang đến cho lục địa Á-Âu một thư viện đầy ắp những câu chuyện huyền thoại dân gian (ĐĐ, xiii).


Theo Stephen Oppenheimer, trước đây Đông Nam là một lục địa lớn hơn châu Phi, trải dài từ sông Dương Tử cho đến vịnh Thái Lan, biển Java, và một phần đất của Ấn Độ ngày nay và đến gần châu Úc. Sau khi kỷ Băng hà chấm dứt khoảng 10.000 năm về trước, Đông Nam Á bị nạn hồng thủy, làm cho vùng này biến thành ba vùng khác nhau:


-Vùng thấp hóa thành đáy biển

-Vùng cao thành các đảo Indonesia, Philippines...

-Vùng lục địa còn lại gồm Việt Nam, Cambodia, Lào, Thái lan, Myanmar (Miến Điện) (ĐĐ,1)


Tại sao Stephen Oppenheimer bác bỏ thuyết cho văn minh Trung Hoa, Ấn độ truyền vào Đông nam Á? Ông trả lời:
Một vài phát hiện khảo cổ gần đây đã đánh tan mối nghi ngờ về một quan điểm từng được chấp nhận rộng rãi là khu vực này ban đầu chịu ảnh hưởng từ văn minh Ấn Độ và Trung Hoa. Hệ thống nông nghiệp ở Indonesia có niên đại còn lâu đời hơn nhiều so với cái nôi truyền thống ở Cựu Thế Giới thời kỳ đồ đá mới thuộc Trung Cận Đông. Bằng chứng về việc trồng cây khoai sọ và khoai lang được tìm thấy ở Indonesia có niên đại khoảng giữa 10.000 và 15.000 năm trước Công nguyên. Thêm nữa, nền văn minh lúa nước có thể đã ra đời vào khoảng thiên niên kỷ thứ sáu hoặc thứ bảy trước Công nguyên, sớm hơn nhiều so với thời điểm người Trung Hoa phát minh ra nó (ĐĐ,5)


Cũng ở đoạn này, ông cho rằng di chỉ đồ đồng ở Bian Chang ở Thái Lan và Phùng Nguyên ở Việt Nam có sớm hơn Trung Quốc (ĐĐ,5). Ông bác bỏ lập luận cho rằng văn minh Ấn Độ truyền sang Đông Nam Á:


Một vài nơi ở Đông Nam Á đã làm chủ được những kỹ năng tương tự như các kỹ năng được sử dụng trong các nền văn minh cùng thời như Lưỡng Hà, Ai Cập và Thung lũng sông Ân, nếu không muốn nói là sớm hơn. Nếu nói rằng cư dân Đông Nam Á học những kỹ thuật đó từ ngời Ân Độ thì ai là người đã dạy họ kỹ thuật trồng trọt và luyện kim hàng ngàn năm trước? Và họ đã làm gì trong thời gian giữa hai thời kỳ đó?(ĐĐ.5).



Về việc đã có một nền văn minh ở Nam Cực, một nền văn minh cao hơn châu Âu, trước châu Âu 7000 năm . Ông theo tài liệu của những người đi trước như Dấu tay của các thiên thần (Fingerprints of Gods) của nhà báo người Đức Graham Hancock xuất bản 1995. Điểm mấu chốt trong tác phẩm của Graham Hancock chính là


những lý giải của Charles Hapgood (1966) về tấm bản đồ rất có tính xác thực mang tên Piri Reis do một học giả người Ả Rập sao chép lại từ nguyên bản đã bị mất trong Thư viện Alexandria. Tấm bản đồ này do một vị đô đốc ngời Thổ Nhĩ Kỳ vẽ vào năm 1513 trên một tấm da sống của loài linh dương gazen. Nó phác thảo một cách tương đối chính xác đường biên trên bờ Đại Tây Dương của Nam Cực nằm dưới cái mũ băng hiện tại. Những nét khác đuợc thể hiện trên tấm bản đồ và vẫn có độ chính xác cao là bờ đông của Nam Mỹ và bờ đông của Châu Phi và châu Âu. Một vài tấm bản đồ khác đợc vẽ cùng thời do Hapgood phát hiện cũng có những phác thảo tương tự. Do Nam Cực không hề có băng tuyết vào khoảng 4000 năm trước Công nguyên nên giả thuyết của Hancock là phải có ai đó rất giỏi nghề đi biển và khả năng toán học để khảo cứu các bờ đại dương và tính toán địa đồ toàn cầu. Người châu Âu không thể làm đợc việc đó vào năm 1513. Điều đó hàm nghĩa rằng đã từng có con người của một nền văn minh xa xa nào đó đã từng du khảo quanh bờ Đại Tây Dương (ĐĐ.6-7).


Về việc nạn hồng thủy, Stephen Oppenheimer căn cứ vào thiên tài của Immanuel Velikovsky, học giả uyên bác người Nga này xuất bản quyển sách mang tên Những thế giới trong cơn xung đột (Worlds in Collision) vào năm 1950 đưa ra bằng chứng cụ thể là sao Kim trong hơn 4000 năm qua liên tục tiến dần về Trái đất, gây ra những thảm hoạ thiên nhiên rộng lớn vì lực hấp dẫn (ĐĐ.7).


Stephen Oppenheimer đưa ra chứng cứ về hải dương học:
Hồ sơ của ngành hải dương học cho thấy rằng mực nước biển dâng cao ít nhất là 120 mét (500 fít) trong ba trận đại hồng thủy thứ tự diễn ra cách đây khoảng 14.000, 11.500 và 8000 năm. Giai đoạn mực nước biển tăng đột biến đã có ba tác động lớn đến bằng chứng về hoạt động của con người. Thứ nhất, ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc, nơi có thềm lục địa bằng phẳng, bất cứ bằng chứng nào về các vùng định cư và các kỹ năng ở ven biển và đồng bằng cách đây 8000 năm đã bị nhấn chìm mãi mãi (Xem Chương 1 và 2). Thứ hai, trong lần gia tăng cuối cùng của mực nước biển, nước tràn lên các thềm lục địa bằng phẳng và mãi đến thời điểm cách đây 5500 năm mới rút đi. Các vùng định cư ven biển trong giai đoạn từ 7700 đến 5500 năm trước vẫn ở trên mực nước hiện được bao phủ với một lớp phù sa dày. Các nhà khảo cổ học đã xem xét phần dưới của lớp bùn này tại Lưỡng Hà (Mesopotamia), Nam Trung Hoa, Đông Nam Á và Đảo Đen (Melanesia) để tìm kiếm bằng chứng về đợt phân tán cuối cùng do các trận đại hồng thủy gây ra. Thứ ba, các cư dân tại các vùng địa cư ven biển bị lũ cuốn trôi có thể đã buộc phải di cư và mang theo những kỹ năng của họ đến một nơi ở khác (ĐĐ.18).


Các trận hồng thủy đã làm thay đổi cấu trúc của Đông Nam Á, làm cho lục địa Sanda tách ra thành những hòn đảo và những đại lục. Các trận hồng thủy đã đưa dân Sunda trôi dạt các nơi và tạo thành những nền văn minh khắp thế giới:


Quyển sách này bàn đến một khả năng là sau những biến động sâu sắc và đột ngột của mực nước biển diễn ra vào khoảng 8000-7500 năm trước, một loạt các cuộc di cư cuối cùng của cư dân trên lục địa Sunda cũng bắt đầu diễn ra. Những hành trình di cư đó tiến về phương Nam đến châu Úc, tiến về phương Đông vào biển Thái Bình Dương, tiến về phương Tây vào Ấn Độ Dương và đi lên phương Bắc đến lục địa Châu Á. ....Trong hành trình của mình, họ mang theo những vật nuôi và thực phẩm trên những chiếc thuyền đi biển to lớn. Một phần trong số họ di chuyển theo hướng tây, mang theo hạt giống lúa nớc sang Ấn Độ. Những cư dân sinh sống ở Bắc lục địa Sunda thì di chuyển theo hướng bắc đến Đông Dương và Châu Á và sau đó hình thành nên những nền văn hoá phức tạp và tinh tế ở Tây Nam Trung Quốc, Miến Điện và Tây Tạng. Một số những đồ tạo tác tinh xảo và đẹp đẽ của những nền văn minh rất sớm này chỉ cho đến hiện nay mới được khai quật lên từ lòng đất.


Những người nhập cư phía bắc đến từ những hòn đảo bị lũ lụt nhấn chìm ở khu vực Trung-Ấn nói thứ ngôn ngữ thuộc một ngữ hệ lớn khác của Đông Nam á là ngữ hệ Nam Á, Tạng Miến và Thái-Kadai. Nhưng trên hết, những cuộc di cư bất đắc dĩ này đã thiết lập nên những con đường giao lưu và thương mại xuyên Á-Âu và Thái Bình Dương, từ đó tạo nên dòng lưu chuyển liên tục và nhanh chóng các ý tưởng, kiến thức và kỹ thuật trong suốt nhiều thiên niên kỷ sau này. (ĐĐ,10-11)



Stephen Oppenheimer cho biết thành tựu khoa học, kỹ thuật của dân Đông Nam Á di cư đến các nơi:

Những dự đoán này xuất phát từ bảng niên đại mới về cuộc Cách mạng Đồ đá mới ở lục địa Âu Á. Các nước ở vành đai Thái Bình Dương dường như đã bắt đầu cuộc cách mạng của họ trước phương Tây một thời gian dài nhưng sau đó buộc phải dừng lại. Cách đây khoảng 12.500 năm, không lâu sau trận đại hồng thủy thứ nhất, nghề gốm ra đời ở phía nam Nhật Bản. Khoảng 1.500 năm sau, có bằng chứng cho thấy các bình gốm đã được làm tại Trung Quốc và Đông Dương. Những điều này cho thấy nghề làm gốm ở khu vực này đã có trước khu vực Lưỡng Hà, Ấn Độ hay Địa Trung Hải khoảng 2.500 đến 3.500 năm. Các dụng cụ đá dùng để nghiền hạt ngũ cốc xuất hiện ở đảo Solomon ở nam Thái Bình Dương khoảng 26.000 năm trước đây trong khi nó chỉ mới xuất hiện ở Thượng Ai Cập và Nubia cách đây 14.000 năm và ở Palestine cách đây 12.000 năm (ĐĐ, 19 ).


Về điều này, ông nói thêm:
Tuy nhiên, như sẽ mô tả trong chương 2và 4, vừa có một bằng chứng mới gây xôn xao tại hang Sakai ở miền nam Thái Lan cho thấy rằng nghề trồng lúa đã ra đời ở Đông Dương trước khi xảy ra cơn đại hồng thủy cuối cùng, và kỹ thuật này có thể đã được chuyển về phía tây sang Ấn Độ (ĐĐ, 20).
Qua những điểm trên, và thêm những bằng chứng về ngôn ngữ, di truyền, Stephen Oppenheimer đã cho chúng ta đã thấy rõ Đông Nam Á xưa là một lục địa có nền văn minh sớm nhất và rực rỡ nhất thế giới vào thời tiền sử. Trong quyển Địa Đàng ở Phương Đông, Stephen Oppenheimer đã nhấn mạnh: Đông Nam Á, TrungTâm Thế Giới Thời Tiền Sử (ĐĐ. 119)

Công cuộc khảo cứu của Stephen Oppenheimer có hai điểm quan trọng. Việc thứ nhất là phải tìm ra bằng chừng  đã có một nền văn minh sớm nhất tại  Đông Á, trước cả các nền văn minh Trung đông, Ấn Độ, Trung Hoa. Ông đã tìm  được chứng cớ khảo cổ tại Thái Lan và Việt Nam. Vấn đề thứ hai là phải tìm chứng cớ Đông Á xưa là một lục địa  nguyên vẹn. Stephen Oppenheimer đã dùng giả thuyết của Hancock để giải thích về sự tan vỡ của lục địa Sunda nhưng giả thuyết này chỉ giải thich về sự biến mất của nên văn minh Atlantic (7). Stephen Oppenheimer  đã dùng giả thuyết của Hancock để chứng minh rằng trước thời Băng giá, Đông nam Á là một lục địa lớn hơn châu Phi, bao gồm Đông Dương,, Malaysia và  Indonesia.  Sau thời Băng giá,  sóng thần nổi lên nhận chìm lục địa này.. Ông cho rằng đó cũng là trường hợp vùng đất Bắc Mỹ và Á Châu xưa là một khối nay tách làm hai (17).
và đó cũng là trường hợp MU ở Atlantic,  một lục địa cho là đã biến mất do giả thuyết của nhà văn và nhà du lịch Augustus Le Plongeon vào thế kỷ XIX  cho rằng đó là  nguồn gốc của các nền văn minh đã bị mất  tích như nền văn minh  Egypt  và  Mesoamerica. về sau giả  thuyết  MU trở thành phổ biến và   James Churchward còn cho rằng MU cũng ở Thái Bình dương 9Wikipedia) .

Và đó cũng là  trường hợp của  Hổ tỉnh trầm thành (虎井沈城-  (虎井澄淵)  là  một cái thành chìm dưới biển   tại  Bành Hồ,  Đài Loan.  Cái thành chìm này có thuyết cho là cái thành chìm xuống biển, có thuyết cho là nham thạch tạo thành (Wikipedia). Nhưng giả thuyết của  Stephen Oppenheimer nay trở thành chứng cớ hiển nhiên vì công cuộc khám phá của Masaaki Kimura (木村政昭, November 6, 1940, Yokohama -  giáo sư đại học Ryukyus, Okinawa, Japan)  trong thập niên 90 đã tìm thấy một kiến trúc đưới biển Nhật bản có dạng Kim Tự Tháp (Wikipedia)


II. ĐỊA ĐÀNG TẠI VIỆT NAM –VĂN HÓA VIỆT NAM TỪ TIỀN SỬ ĐẾN THẾ KỶ XV


Như trên đã trình bày, Việt Nam, hay Đông Dương là một phần của vùng Đông Nam Á hay lục địa Sunda thời tiền sử. Việt Nam chính là Địa Đàng ngày xưa và nay là Thiên đường đã mất. Như trên đã nói lục địa Đông Nam Á thời tiền sử bao gồm Việt Nam, và sau khi lục địa này bị ba cơn hồng thủy mà chìm xuống đại dương, một số dân Nam đảo di cư đến các nơi, họ mang văn hóa miền Nam lên miền Bắc và sang châu Âu. Stephen Oppenheimer viết về cuộc di cư vĩ đại của người Sunda chạy thoát quê hương đã chìm xuống biển cả:


Họ đi thuyền đến những vùng đất mới có địa hình duyên hải cao hơn so với mặt biển và ít rừng rậm hơn. Họ chính là những nhà thám hiểm đầu tiên ở
Thái Bình Dương. Giải pháp đi thuyền ra biển dường như đã được nhiều cư dân hải đảo ở Inđônêxia lựa chọn. Ngày nay, họ vẫn xây nhà theo hình dạng trông giống như những chiếc thuyền; họ nói rằng tổ tiên của họ đã bị lũ cuốn
ra khỏi vùng dất quê hương và phải đi ra biển. Trong số đó, có những người không có tìm được chỗ đứng tại các đảo còn lại ở Đông Nam Á và phải phát tán ra khắp bốn hướng của la bàn (ĐĐ,110).


Một số dân này đổ bộ Việt Nam tức là người Chăm. Stephen Oppenheimer viết:" Tiếng Chàm gần với ngôn ngữ Malai và được xem là những bằng chứng rõ ràng duy nhấtvề sự di cư của người Nam Đảo từ Đôngnam Á hải đảo đến lục địa Châu Á (ĐĐ, 90).


Ông cũng cho rằng nền văn hóa Sa Huỳnh là nền văn hóa vào đồ đồng và đồ sắt, đồng thời với văn hóa Đông Sơn, nhưng độc lập với văn hóa Đông Sơn, Trung Quốc và Ấn Độ . Và người Chàm đã đến Việt Nam thuộc thiên niên kỷ thứ hai trước công nguyên (ĐĐ, 90).


Wilhelm Solheim II đã nói ở đoạn đầu bài"New light on the forgotten past", trước 1950, ít có những cuộc tìm tòi về Đông Nam Á. Công cuộc khảo cứu về Việt Nam khởi đầu từ 1920 trở đi, bà Madeleine Colani, một nhà thực vật học, cổ sinh vật học và khảo cổ học người Pháp, đã nêu ý kiến là có một nền "văn hóa Hòa Bình". Những ý kiến của bà đều căn cứ vào các cuộc đào xới ở một vài hang đá và Người ta đã tìm ra những nền văn hóa cổ tại Việt Nam nhưng quan trọng nhất là các nền văn hóa Hoà Bình, Đông Sơn và Phùng Nguyên.


Như W. G. Solheim các nơi trú ẩn bằng đá khác ở miền Bắc Việt Nam, trong đó khu vực đào xới đầu tiên đã được tìm thấy ở tỉnh Hòa Bình. Khởi thủy, nhóm từ ngữ này được dùng để nói đến nền văn hóa đá cuội được ghè đẽo trên khắp chu vi hòn cuội để tạo ra những dụng cụ từ thời đá cũ đến thời đá mới, cách ngày nay 15.000 năm, kéo dài đến 2.000 năm trước Công Nguyên. Trên vùng đất xen núi đá vôi, thuộc phía Tây châu thổ ba con sông lớn thuộc Bắc Bộ Việt Nam, và với không gian rộng lớn, tiêu biểu cho cả vùng Đông Nam Á và Nam Trung Quốc.

Các di vật chính của thời kỳ Văn hóa Hòa Bình chính (niên đại sớm 12.000 năm cách ngày nay) tại tỉnh Hòa Bình và các tỉnh từ Quảng Bình đến Thái Nguyên là các dụng cụ bằng đá cuội ghè đẽo một mặt, hoặc chỉ phần lưỡi; các mảnh gốm không có hình thù do kỹ thuật nung chưa đạt nhiệt độ cao, đây là di tích đồ gốm xưa nhất của cư dân Văn hóa Hòa Bình cho đến nay đã tìm thấy; các dụng cụ đào bới có cán tra, các vòng trang sức bằng vỏ ốc. Thời kỳ này các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy di cốt người ở vài địa điểm. Di chỉ muộn của Văn hóa Hòa Bình được tìm thấy ở Bắc Sơn (niên đại sớm 5.000 TCN, thuộc Lạng Sơn. Các dụng cụ bằng đá ở đây đã có một trình độ chế tác cao hơn nhiều, lưỡi đá đã được mài sắc, khảo cổ học gọi là "rìu Bắc Sơn".

Đồ gốm đã có tiến bộ, kỹ thuật được làm thủ công, cư dân ở đây nặn các dải đất dài, rồi cuộn tròn từ đáy lên miệng và miết kín khe hở, nung gốm bằng chất củi đốt xung quanh. Đồ trang sức bằng đất nung có dùi lỗ và xâu thành chuỗi. Lúc đầu danh từ


" văn hóa Hòa Bình" là nói đến di chỉ Hòa Bình ở tỉnh Hòa Bình Bắc Việt, sau mở rộng ra nền văn hóa có khoảng không gian là miền Bắc Việt Nam, sau không gian lẫn thời gian trên được nới rộng dần. T. M. Matthews có lẽ là người đầu tiên đã đem "Văn hóa Hòa Bình" vượt khỏi lãnh thổ Việt Nam đến các vùng Đông Nam Á, và rồi người ta nói đến Văn hóa Hòa Bình ở Miến Điện, Campuchia, Lào, Malaysia, Sumatra, Thái Lan, Ấn Độ, Tứ Xuyên... Nhưng có lẽ không ai mở rộng ảnh hưởng của Văn hóa Hòa Bình bằng Gs. W. G. Solheim II. Về không gian, ông đã đưa Văn hóa Hòa Bình, phía Đông Bắc đến Philippines, Nhật Bản, phía Tây đến Thái Lan, phía Nam đến tận Úc và phía Bắc bao trùm cả hai nền văn hóa cổ của Trung Hoa là Văn hóa Ngưỡng Thiều (仰韶, Yangshao) và Văn hóa Long Sơn (龙山, Longshan) (Wikipedia).


Như vậy, từ ngữ "văn hóa Hòa Bình" có hai nghĩa. Một là di chỉ Hòa Bình ở tỉnh Hòa Bình Việt Nam. Nghĩa thứ hai là nói chung các nơi khác ngoài Việt Nam có cùng tính chất với văn hóa Hòa Bình. Điều này cho biết nền văn hóa Hoà Bình là một nền văn hóa lớn, bao trùm cả Đông Nam Á, có trước văn hóa Ấn Độ và Trung Quốc.

W. G. Solheim II đã nói đến văn hóa Thái Lan, Miến Điện cũng thuộc văn hóa Hòa Bình. Văn hóa Hòa Bình là cái gốc của văn hóa Đông Nam Á:
Như vậy ta có thể coi những khám phá ở Hang Thần ít nhất cũng phù hợp với thuyết của Carl Sauer và nhiều đoàn thám hiểm khác đang đi đến nhận định rằng có một nền văn hóa Hòa Bình khá phức tạp đã được phổ biến tương đối sâu rộng. Ông Aung Thaw, giám đốc sở Khảo cổ học Mianma, năm 1969 đã đào được một số dụng cụ rất đáng chú ý về văn hóa Hòa Bình trong những hang Padh Lin ở Đông Mianma. Ngoài nhiều vật dụng, còn tìm thấy cả những hình vẽ trên vách hang. Như vậy, đây là khu vực ở phía cực Tây của nền văn hóa Hòa Bình đã được tìm thấy.


Stephen Oppenheimer cho rằng ngay dưới lớp địa tầng đồ đá mới là nền văn hóa Hoà Bình điển hình có trước thời kỳ Đồ đá mới và trước cơn đại hồng thủy cho thấy có sự cư trú của con người mang tính liên tục...Những địa điểm này bao gồm động Linh hồn nổi tiếng gần biên giới Miến Điện haynhững khu định cư ven  biển trong Vịnh Băng Cốccho đến Việt Nam. Tất cả đều có niênđại vào thiên niên kỷ thứ 5 trước CN và cho thấy có sự kế thừatừ nền văn hoá Hoà Bìnhtrước đó. Các khu vực tại Việt Nam cho thấy đã xuất hiện nghề gốm vớinhững vết dâythừng và những hoa văn khác chạmnhững chiếc rìu đá mài sắc có từ trung kỳ Đồ đá mớiở Hồng Kông. Như tôi đã đề cập, ở khu vựcSakai tại Thái Lan người ta phát hiện nhữngđồtạo tác tương tự có cùng niên đại và có cả lúa.


Điều đó mâu thuẫn với quan điểm chorằng ngườiTrung Quốc tìm ra lúa đầu tiên.

Kết luận này còn hợp lôgíc nhất về khía cạnh sinh học. Như PeterBellwood đã chỉ ra,xét về mặt khí hậu, quê hươngcủa nghề trồng lúa là vùng Đông Dương nhiệt đớikéo dài xuống biên giới với Malaixia, Miến Điện, Băng la đét và vùng bờ biểnphía nam. Phần lớn sông Dương Tử và sông Hoàng Hà - hai vùng trung tâm phát triển Đồ đá mới của Trung Quốc - đều nằm ngoài những khu vực này (ĐĐ.69-70).

Ở đoạn trên,Wilhelm Solheim II cho biết năm 1963, ông đã tìm thấy tại Bắc Thái lan có một mảnh đồ gốm có in vết vỏ của một hạt lúa, có niên đại muộn nhất là 3.500 năm trước công nguyên. Như vậy có nghĩa là trước cả ngàn năm so với những hạt lúa tìm thấy ở Ấn Độ và Trung Hoa cũng được xác định bằng phương pháp cacbon.
Cũng với phương pháp ước lượng thời gian bằng cacbon đối với các cục than tìm thấy ở đó, chúng tôi được biết thêm là các rìu đồng, được đúc trong các khuôn kép bằng đá, đã được chế tạo ít nhất là khoảng 2.300 năm trước công nguyên, có thể là trước cả năm 3.000 trước công nguyên nữa. Như vậy là sớm hơn bất cứ một đồ đồng đầu tiên nào đã đúc tại Ấn Độ cả 500 năm và nó cũng còn lâu đời hơn cả những khu vực Cận Đông mà trước đây người ta đã tưởng là nơi xuất phát cách chế tạo đồ đồng đầu tiên.

Chester Gorman, một sinh viên hầm mỏ ở trường Đại học Hawaii, là người đã xác định vị trí của Non Nok Tha nhờ tìm thấy những mảnh gốm bị xói mòn trong gò đất. Năm 1965, anh trở lại Thái Lan để tìm tài liệu cho luận án tiến sĩ của mình . Ở xa phía Bắc Thái Lan gần biên giới Miama, anh đã tìm thấy Hang Thần và những gì đang ra công tìm kiếm. Khi đào nền hang, Gorman tìm thấy những mảnh cây đã hóa than, cùng hai hạt có thể là đậu, một hạt đậu tròn, một hạt dẻ, một hạt tiêu sọ, nhiều mảnh bí và dưa leo, cùng với nhiều đồ dùng bằng đá rất đặt biệt của vùng Hòa Bình.


Qua vài điều trên, các nhà khảo cổ đã cho ta biết nghề đúc đồng và trồng lúa đã có hàng thiên niên kỷ trước công nguyên, trước các nền văn hóa Cận Đông, Ấn Độ và Trung Quốc.
Trong bài nghiên cứu trên, Wilhelm Solheim II đã đưa ra 5 nhận định về văn hóa Hòa Bình:


1. Tôi đồng ý với Sauer rằng sắc dân Hòa Bình ở miền nào đó trong vùng Đông Nam Á là giống người biết trồng cây trước hết trên thế giới. Tôi cũng không ngạc nhiên nếu thời kỳ đó bắt đầu khoảng 15.000 năm trước công nguyên.
2. Tôi cho rằng những đồ dùng bằng đá đẽo có cạnh sắc tìm thấy ở Bắc Úc Châu và được ước định bằng cacbon 14 là xuất hiện vào khoảng 20.000 năm trước công nguyên đều thuộc nguồn gốc Hòa Bình.

3. Trong khi người ta được biết hiện nay đồ gốm cổ xưa nhất tìm được ở Nhật có niên đại khoảng 10.000 năm trước công nguyên, tôi tin rằng khi xác định được tuổi của loại đồ gốm có in hoa văn dây thừng thì ta sẽ phải nhận rằng đồ gốm đó chính là do sắc dân Hòa Bình chế tạo rất lâu trước khoảng 10.000 năm trước công nguyên.

4. Theo truyền thống, người ta cho rằng trong thời kỳ tiền sử, kỹ thuật miền Đông Nam Á là kết quả của những làn sóng di dân từ phương Bắc mang tới. Riêng tôi cho rằng văn hóa nguyên thủy thời đồ đá mới Ngưỡng Thiều (Yangshao) ở Trung Hoa mà người ta biết đến chính là kết quả của một nền văn hóa tiền Hòa Bình đã di chuyển từ miền Bắc Đông Nam Á lên phía Bắc vào khoảng 6 hay 7.000 năm trước công nguyên.

5. Tôi cho rằng văn hóa mà sau này được gọi là văn hóa Long Sơn (Lungshan) vẫn thường được coi là phát triển từ Ngưỡng Thiều (Yangshao) ở Bắc Trung Hoa rồi lan ra miền Đông và Đông Nam, thì trái lại thực ra đã khai sinh ở Nam Trung Hoa và di chuyển lên phía Bắc. Cả hai nền văn hóa này đều bắt nguồn từ gốc văn hóa Hòa Bình.


Stephen Oppenheimer cả quyết rằng Việt Nam trồng lúa sớm nhất, trước cả Trung Quốc, Ấn Độ:
Dấu hiệu sớm nhất về cây lúa ở Trung Hoa là trên thượng lưu sông Dương Tử tại vùng Pengtoushan vào khoảng năm 6500- 5800 trước CN nhưng người ta vẫn chưa rõ là liệu 5800 các giống cây là xuất phát từ cây dại hay cây đã thuần dưỡng. Charles Higham đã từng nói: “việc xác định quá trình chuyển tiếp sang trồng lúa là vấn đề trungtâm của thời tiền sử ở Đông Nam Á”. Mà cho đến nay, nó vẫn là
một vấn đề rất mơ hồ. Tại mộtvài địa điểm thuộc thời kỳ Đồ đá mới ởĐông Dương, chủ yếu là những nơi nói tiếng AustroAsiatic, người ta đã tìm thấy những đồ tạo tác chứngminh rằng nghềtrồnglúa và nông nghiệp có từ rất sớm ở khu vực này, ví dụ như những chiếc cuốc và dao làmbằng đá phiến có cạnh sắc để cắt lúa.



Tuy nhiên, người ta vẫn chưa phát hiện được câylúa thực sự hay những cây trồng có thể nhận biếtđược trên khu vực này mãi cho đến gầnđây. Nhữngđịa điểm này bao gồm Động Linh hồn nổi tiếng gầnbiên giới Miến Điện haynhững khu định cư ven biển trong Vịnh Băng Cốc cho đến Việt Nam. Tấtcả đềucó niênđại vào thiên niên kỷ thứ 5 trước CN và chothấy có sự kế thừa từ nền văn hoá Hoà Bình trước đó. Các khu vực tại Việt Nam cho thấy đã xuất hiện nghềgốm với những vết dây
thừngvà những hoa văn khác chạm,những chiếc rìu đá mài sắc có từ trung kỳ Đồđá mới ở Hồng Kông. Như tôi đã đề cập, ở khu vựcSakai tại Thái Lan người ta phát hiện nhữngđồ tạotác tương tự có cùng niên đại và có cả lúa. Điều đómâu thuẫn với quan điểm cho rằng người Trung Quốctìm ra lúa đầu tiên.

Kết luận này còn hợp lôgíc nhất về khía cạnh sinh học. Như Peter Bellwood đã chỉ ra, xét về mặt khí hậu, quê hương của nghề trồng lúa là vùng Đông Dương nhiệt đới  kéo dài xuống biên giới với Malaixia, Miến Điện, Băng la đét và vùng bờ biển phía nam. Phần lớn sông Dương Tử và sông Hoàng hà hai vùng trung tâm phát triển Đồ đá mới của Trung Quốc - đều nằm ngoài những khu vực này. Và như tôi sẽ trìnhbày ở phần dưới, quan điểm cho rằng Đông Nam Á là nguồn gốc của nghề trồnglúacó thể có những hệ luỵ sâu rộng đến sự lan rộngcủa nghề này sang phía Tây đến Ấn Độ (ĐĐ,69-70).



Bên cạnh nền văn hóa Hòa Bình, Việt Nam còn có nền văn hóa Đông Sơn. Đông Sơn là một làng tại tỉnh Thanh Hóa. Năm 1924, một người câu cá tên Nguyễn Văn Lắm đã ngẫu nhiên tìm được một số đồ đồng ở làng Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa, ven sông Mã. Tiếp đó là những cuộc khai quật của một viên thuế quan Pháp yêu khảo cổ tên là L. Paijot, người đầu tiên khai quật thấy các hiện vật thuộc một nền văn hóa lớn mà 10 năm sau đó, năm 1934, đã được định danh là Văn hóa Đông Sơn. Wikipedia cho rằng nền văn hóa Đông Sơn có từ 1000 BC cho đến 1BC, và trống đồng được sản xuất khoảng 600 năm trước CN, cho đến thế kỷ III sau CN.


Cũng như văn hóa Hòa Bình, từ ngữ văn hóa Đông Sơn cũng được áp dụng cho các tỉnh trong nước và ngoại quốc. Văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa cổ từng tồn tại ở một số tỉnh miền bắc Việt Nam và bắc trung bộ Việt Nam (Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Ninh Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh mà trung tâm là khu vực Đền Hùng, và ba con sông lớn và chính của đồng bằng Bắc Bộ (sông Hồng, sông Mã và sông Lam) vào thời kỳ đồ đồng và thời kỳ đồ sắt sớm. Nhiều dấu tích đặc trưng cho văn hóa Đông Sơn cũng được tìm thấy ở một số vùng lân cận Việt Nam như ở Vân Nam, Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc, ở Lào hay ở Thái lan...Nền Văn hóa Đông Sơn là sự phát triển liên tục và kế thừa từ các thời kỳ tiền Đông Sơn là Văn hóa Phùng Nguyên đến Văn hóa Đồng Đậu và Văn hóa Gò Mun (Wikipedia).

Dù ở đâu, nền văn hóa Đông Sơn vẫn có nguồn gốc Thanh Hóa, Việt Nam. Stephen Oppenheimer nhận định:
Mãi đến gần đây, nền văn hoá Đông Sơn thời đại đồ đồng và tổ tiên của họ ở Việt Nam trong thiên niên kỷ thứ nhất trớc Công nguyên hầu như vẫn là nền văn minh phức hợp duy nhất được xem là văn hoá bản địa trong khu vực (ĐĐ,4)

Wilhelm Solheim II đã chú trọng đến văn hóa Đông Sơn. Trong bài A Brief History of the Dongson Concept [3], ông cho rằng trong nền văn hóa Đông sơn, trung tâm là trống đồng. Trống đồng Đông Sơn được ông Pajot khám phá năm 1924, V. Goloubew báo cáo năm 1929.



Khởi đầu không ai biết xuất xứ. Năm 1902, một quyển sách của Franz Heger cho biết loại trống đồng này đến từ Đông nam Á.Nhiều học giả đã nghiên cứu trống đồng Đông Sơn như Goloubew (1929:11,1932:139; Karlgren 1942:2-5;van Heekeren 1958:92-93) . Trống đồng được Heger xếp vào loại I (Heger Type1) là loại sớm nhất trong bốn hạng.Người ta đã tìm thấy trống đồng tại Nam Trung Quốc, Thailan , Lào , Tây Malaysia , và Indonesia ...nhưng theo tài liệu Kempers năm 1988 thì trống đồng tập trung lớn nhất tại Bắc Việt Nam .Sau khi đã phân tích các bài biên khảo, đi đến kết luận giống như Stephen Oppenheimer rằng cuộc khai quật ở Non NokTha đông bắc Thái Lan và Việt Nam đã cho bằng chứng rõ rệt là người Việt nam là tổ tiên của văn hóa Đông Sơn, và nền văn hóa Đông Sơn đã có kỹ nghệ đúc đồng, làm đồ gốm và kỹ thuật trồng lúa sớm nhất nhân loại, nghĩa là vào thiên niên kỷ thứ tư hay thứ năm trước công nguyên (30 )


Stephen Oppenheimer còn nói rằng Việt Nam cũng là quốc gia có di tích đô thị sớm nhất Đông Nam Á. Những gì còn lại của di tích thành Cổ Loa trong nội địa miền Bắc đất nước có niên đại từ hơn 300 năm trước Công nguyên (ĐĐ, 2).




Tôi đã tóm lược các công trình nghiên cứu của Wilhelm Solheim II và Stephen Oppenheimer về văn hóa Đông Nam Á cổ thời. Tiếp theo, tôi xin giới thiệu các công trình biên khảo của các sử gia Việt Nam về văn hóa Việt Nam. Các sử gia này đã tham khảo nhiều sách Trung quốc cho nên tài liệu cũng khá phong phú.


1. VIỆT NAM ĐẤT NƯỚC VÀ CON NGƯỜI


Nhiều người cho rằng nước Việt Nam ngày xưa là một bộ lạc bé nhỏ, người thưa, đất hẹp như là những giống dân thiểu số trên cao nguyên Trung kỳ và núi rừng Việt Băc. Nhưng sự thực không phải thế.

(1). Diện tích.

Lịch sử nước nào cũng bắt đầu từ những truyền thuyết, và các thần thoại này thì không rõ ràng, không thể minh chứng. Trung Quốc có tích Tam Hoàng, Ngũ Đế là các thần thoại, nước ta có truyện họ Hồng Bàng, nước Xích Quỷ cũng thuộc về tiền sử cho nên nhiều sách nói khác nhau cho nên chúng ta khó tìm ra chứng cớ xác thực. Cứ theo tục truyền thì vua Đế-minh là cháu ba đời của vua Thần-nông, đi tuần-thú phương nam đến núi Ngũ-lĩnh (thuộc tỉnh Hồ-nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục 祿 續. Sau Đế-minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế-Nghi làm vua phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh-dương-vương 涇 陽 王, quốc-hiệu là Xích-quỷ 赤 鬼.

Bờ-cõi nước Xích-quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động-đình-hồ (Hồ-nam), phía nam giáp nước Hồ-tôn (Chiêm-thành), phía tây giáp Ba-thục (Tứ-xuyên), phía đông giáp bể Nam-hải. Kinh-dương-vương làm vua nước Xích-quỷ vào quãng năm nhâm-tuất (2879 trước Tây-lịch?) và lấy con gái Động- Đình-Quân là Long-nữ đẻ ra Sùng Lãm 崇 纜, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc-Long-Quân 駱 龍 君. Lạc-Long-Quân lấy con gái vua Đế-Lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai. Lạc-Long-Quân bảo Âu Cơ rằng: « Ta là dòng-dõi Long-quân, nhà ngươi là dòng-dõi thần-tiên, ăn ở lâu với nhau không được; nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam-hải ».


Gốc-tích truyện này có lẽ là từ Lạc-Long-Quân về sau, nước Xích-quỷ chia ra những nước gọi là Bách-Việt. Bởi vậy ngày nay đất Hồ-Quảng (tỉnh Hồ-nam, tỉnh Quảng-đông và tỉnh Quảng-tây) còn xưng là đất Bách-Việt 百 越. Lạc-Long-Quân phong cho người con trưởng sang làm vua nước Văn-lang 文 郎, xưng là Hùng-vương 雄 王.

Cứ theo sử cũ thì nước Văn-lang chia ra làm 15 bộ:

1. Văn-lang 文 郎 (Bạch-hạc, tỉnh Vĩnh-yên)
2. Châu-diên 朱 鳶 (Sơn-tây)
3. Phúc-lộc 福 祿 (Sơn-tây)
4. Tân-hưng 新 興 (Hưng-hóa – Tuyên-quang)
5. Vũ-định 武 定 (Thái-nguyên - Cao-bằng)
6. Vũ-ninh 武 寧 (Bắc-ninh)
7. Lục-hải 陸 海 (Lạng-sơn)
8. Ninh-hải 寧 海 (Quảng-yên)
9. Dương-tuyền 陽 泉 (Hải-dương)
10. Giao-chỉ 交 趾 (Hà-nội, Hưng-yên, Nam-định, Ninh-bình)
11. Cửu-chân 九 真 (Thanh-hóa)
12. Hoài-hoan 懷 驩 (Nghệ-an)
13. Cửu-đức 九 德 (Hà-tĩnh)
14. Việt-thường 越 裳 (Quảng-bình, Quảng-trị)
15. Bình Văn 平 文 (?)[4]

Ngô Sĩ Liên và một số sử gia còn nói rõ rằng nước ta thời Hùng vương lớn lắm. Nước Văn Lang phía đông giáp Nam Hải, phía tây đến Ba Thục, phía bắc đến Động Đình hồ, phía nam giáp Hồ Tôn (Chiêm Thành)[5]. Nếu đúng như vậy, Văn Lang khá rộng lớn, chiếm một phần Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam.


Ngô Sĩ Liên cho rằng họ Hồng Bàng thuộc truyền thuyết liên hệ đến Tam Hoàng, Ngũ Đế, là dòng dõi xa đời và mơ hồ cho nên đặt Thục vương họ Hồng Bàng vào ngoại kỷ, tuy nhiên ông vẫn coi Kinh Dương vương là vua bắt đầu được phong của nước Đại Việt ta, cùng với Đế Nghi đồng thời cho nên chép năm đầu ngang với năm đầu của Đế Nghi.[6]

Thuyết Đế Minh, Đế Nghi, Lộc Tục là huyền sử thì nước Xich Qu ỷ, Văn Lang lên đến Ba Thục, Động Đình hồ e cũng không chính xác. Phải chờ một cuộc khảo cổ tương lai giải đáp. Ngô Thời Sỹ bài Xich thuyết về Xich Quỷ, và các truyện của Việt Điện U Linh tập và Lĩnh Nam Chích Quái[7]. Trần Trọng Kim cho rằng những đất Ba Thục, vua Thục Phán, nước Âu Lạc là sai lầm[8].Ta có thể chấp nhận lãnh thổ của 15 bộ đời Hùng Vương. Tuy nhiên, Văn Lang không phải chỉ nằm trong Bạch Hạc, Vĩnh Yên như Trần Trọng Kim đã chú thích[9].


Nước ta ở cạnh Trung Quốc là một nước có dã tâm xâm lược các nước lân cận. Tần Thủy hoàng đã nuôi mộng đế quốc, đã xâm chiếm các nước phương nam để lập nên một đế quốc Trung Hoa, Bách Việt đã bị Hán tộc thôn tính, chỉ có Việt Nam là còn tồn tại. Nước ta đã bị Tần, Hán xâm lược. Chúng ta đã nhiều lần đánh đuổi Trung Quốc xâm lược, nhưng cũng có lần thất bại, phải chịu Trung Quốc đô hộ. Và nước ta đã bị Trung Quốc chiếm cứ một phần đất đai từ các triều đại trước.


Trần Trọng Kim viết rằng Thục vương Phán làm vua nước Thục, sau chiếm nước Văn Lang của Hùng Vương, xưng là An Dương vương, cải quốc hiệu là Âu Lạc. Lúc này, Tần Thủy hoàng đã chiếm nhiều nước. Năm 214BC, Tần Thủy hoàng sai ĐồThư đánh Bách Việt (Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây). An Dương vương quy hàng. Nhà Tần chia Bách Việt và Âu Lạc làm ba quận là Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây) và Tượng Quận (Bắc Việt). Nhà Tần suy, Nhâm Ngao, quan úy ở Nam Hải, muốn chiếm Âu Lạc. Việc chưa thành, Nhâm Ngao chết, Triệu Đà lên làm quan úy Nam Hải. Năm 208BC Triệu Đà đánh Âu Lạc, hợp với Nam Hải lập nước Nam Việt. Nguyễn Văn Siêu viết rằng nhà Hán giao cho Triệu Đà cai quản ba quận, nay là đất Khâm châu tỉnh Quảng Đông, qua Tả Giang tỉnh Quảng Tây, qua sông Nguyên Giang huyện Lâm An tỉnh Vân nam.

Các nơi này với Việt Nam ta liền bờ cõi[10]. Trần Trọng Kim viết rằng đời Hán, Lộ Bác Đức chiếm Nam Việt, đổi tên là Giao Chỉ bộ, gồm 9 quận: Ðam Nhĩ, Châu Nhai, Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam[11]. Đời Tam quốc, nước ta thuộc Đông Ngô (222-280), năm Hoàn Vũ thứ 5 (234BC), cắt các quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm lập Quảng Châu, châu trị ở Phiên Ngung; còn Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam làm Giao Châu, châu trị ở Long Biên. Qua các triều Tống, Đường, châu quận thay đổi nhiều lần. Khi Đinh Tiên hoàng lập nước Đại Cồ Việt, bản đồ nước ta chỉ còn Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam[12].


Lê Quý Đôn viết rằng địa đồ nước ta phía đông nam đến tận biển, phía đông đến châu Khâm, châu Liêm, về phía băc giáp Quảng Tây, phía tây liền Vân Nam, phía tây bắc vượt ranh giới Vân Nam, Quảng Đông và Quảng Tây, phía tây nam giáp Ai Lao, phía nam cắt nửa Chiêm Th ành. Hình thế tiếp liền sông biển, nắm lấy núi sông, đáng gọi là một nước rào dậu vững vàng ở bốn bên. Kinh đô đặt ở Long Biên giữa quãng hai phủ Thường Tín và Quốc Oai. Phía tây bắc chiếm dọc theo núi, phía đông nam có s ông to ngăn trở, thật là một nơi đô hội đủ cả về đường thủy và đường bộ[13]. Lê Quý Đôn phê bình Ngô Sĩ Liên chép 15 bộ đời Hùng vương e cũng có lầm lẫn. Lê Quý Đôn chép rằng Triệu Vũ Đế đánh An Dương vương, đất Âu, đất Việt, đất Mân Lạc cũng hợp một, thành ra lãnh vực đông sang tây rộng muôn dặm, từ nam đến bắc xa mấy ngàn dặm.

Đến khi Vệ vương Kiến Đức bị bắt, nhà Hán chia chín quận. Từ Đinh, Lê, Lý cũng chỉ giữ được phía nam, chứ không thâu phục lãnh thổ đời Triệu Vũ Đế. Nước Việt ta chỉ còn 3 quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, còn sáu quận kia bị sáp nhập vào Trung quốc[14]. Trung Quốc có khi cứ gặm nhấm có khi công khai xâm chiếm nước ta. Khi quân Minh sang đánh, Mạc Đăng Dung tự trói mình xin hàng, và dâng năm động là Cổ Xương, Liễu Cát, La Phù và đất Khâm Châu[15]. Buồn vì việc nước, xót về việc nhà, Lê Quý Đôn tưởng nhớ tổ tiên của ông khoảng niên hiệu Khang Hy thứ 19 (1680), lãnh chức Liêm Phòng ở Việt Tây (Quảng tây) đã phụ trách việc đốc suất lương hướng cho quân đội đi đánh Điền Châu, và đã lập quân công được vua Lê ban thưởng[16]. Điều này cho thấy đời Lê, một phần Quảng tây thuộc Việt Nam. Vì Trung Quốc chiếm nước ta, vua Quang Trung (1753-1792) đã dự định đòi lại đất Lưỡng Quảng[17].

(2).Tài nguyên

Nước ta không giàu mạnh nhưng tài nguyên khá phong phú. Lê Quý Đôn trong Vân Đài Loại Ngữ quyển III, chương Phẩm vật, và Lê Tắc trong An nam Chí Lược quyển XV đã giới thiệu nhiều sản phẩm quý của Việt Nam. Sách Trung Quốc là Diêu Thị Lục Châu ký 姚氏六州記 ghi rằng nhà Tần chiếm nước ta vì nước ta có nhiều vàng ngọc, châu báu[18].


Lê Quý Đôn cho biết thời Đông Hán, quan châu mục Giao Chỉ là Đặng Tiến đã vơ vét tài nguyên nước ta cho việc triều cống nhà Tây Hán và Đông Hán vốn đã có từ 300 năm trước[19].
Năm 196BC, sứ thần Trung Quốc là Lục Giả (240BC-170BC) đến, Triệu Đà tặng các đồ quý báu trị giá ngàn vàng. Khi Lục Giả ra về, Triệu Đà cũng tặng quý vật giá ngàn vàng[20]. Năm 984, vua Lê Hoàn xây điện Bách Bảo Thiên Tuế trên núi Đại Vân mà các cột đều dát vàng bạc, và điện Long Lộc mái lợp bạc. Năm 986, khi sứ Trung Quốc sang, vua bày các vật quý giá ở sân để khoe của[21]. Năm 1289, triều Nguyên Thế tổ (1215-1294) vua Trần Nhân Tông gửi tặng phẩm gồm một bảng kê khai rất dài các vật quý báu mà Trung Quốc cũng không có[22].


(3).Dân số.

Tiết Tống, thái thú quận Giao Chỉ đời Ngô (thế kỷ 3) dâng sớ nói về nước ta: “Sông núi dài mà xa, tập tục không giống nhau. . .đất rộng , người đông”[23].
Viên Sán, sứ thần Trung quốc đời Thanh viết: “Nước Nam dân cư rất đông đúc, thế đất phẳng bằng, trông ngút ngàn thảy đều ruộng cấy lúa, không mảnh đất nào bỏ không. Nơi thôn quê, nhà liền như bát úp, đất ít, người nhiều”[24].

Từ đời Tam quốc (222-256) cho đến đời Thanh (1644-1911), nuớc ta là một nuớc núi rộng sông dài, dân cư đông đúc. Chúng ta không biết rõ dân số Việt Nam đời Hùng vương, nhưng chúng ta có những số liệu đời Hán:

Tiền Hán Thư:
-Quận Giao Chỉ: 92.440 hộ; 746.237 khẩu, 10 huyện.
-Quận Cửu Chân: 35.742 hộ; 166.113 khẩu, 7 huyện.
-Quận Nhật Nam: 15.460 hộ; 69.485 khẩu, 5 huyện.

Hậu Hán Thư:
-Quận Giao Chỉ: (không chép hộ, khẩu) 12 thành.
-Quận Cửu Chân: 46.513 hộ; 209.894 khẩu, 5 thành.
-Quận Nhật Nam: 18.460 hộ; 100.676 khẩu, 5 thành[25].


Vậy theo Tiền Hán Thư, nước ta gồm ba quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, có 143.642 nóc nhà, và 981 .835 dân đinh. Ngày xưa, người ta chỉ kê khai nam giới, không kê khai phụ nữ. Lại nữa, thời Bắc thuộc nhiều người trốn tránh, do đó, ta có thể phỏng định thời Hán, dân ta có khoảng 150.000 nóc nhà với dân số khoảng hai triệu. Tìm hiểu hơn nữa, chúng ta thấy đời Lý số đinh là 3.300.100, đời Trần là 4.900.000, số hoàng nam là 2.104.300. Đời Lê Thái tổ, số đinh là 5.006.500[26]


Cùng lúc đó, dân Quảng Đông không quá 59.390 hộ với 318.511 dân đinh. Tỉnh Quảng Tây lúc bấy giờ là quận Uất Lâm cũng chỉ khoảng 12.415 hộ, với 71.161 khẩu. Cộng hai tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây vào thời Hán chỉ có 71.805 hộ với 389.673 khẩu[27]. Như vậy, thời Hán, số hộ của ta gấp đôi, số người gấp ba Luỡng Quảng.

(4).Thành trì.

Cơ quan chính quyền ở trong một khu vực rộng lớn, bên ngoài có thành ( tường cao), ngoài thành còn có trì ( hào sâu) bao vây xung quanh, mục đich ngăn chận giặc tấn công. Chữ thành có hai nghĩa, một là thành phố, hai là thành trì. Thành phố ở trong thành trì. Thành trì để bảo vệ thành phố. Thành trì to hơn đồn binh, trại lính. Cấm thành, hoàng thành Huế là hình ảnh thành trì ngày xưa. Ngày xưa thời độc lập, nước ta có nhiều thành trì để giữ nước và bảo vệ dân, nhưng thời lệ thuộc, quân Hán, quân Nguyên, Minh và người Pháp đã triệt hạ các thành trì cổ. Thành phố ngày nay không có thành trì như xưa.


Trước đời Ngô đời Tam quốc, đất Nam Việt của Triệu Đà vẫn đặt đô tại Long Biên, sau Triệu Đà chia hai miền Giao Quảng, thủ phủ Giao Châu vẫn là Long Biên, tức Đại La thành, tức Thăng Long thành. Điều này cho chúng ta thấy từ xưa, Long Biên là nơi đô hội, là trung tâm văn hóa, khoa học kỹ thuật cùng trung tâm kinh tế không những của Việt Nam mà là của cả vùng Hoa Nam[28].


Ngoài Long Biên, nước ta lúc bấy giờ có nhiều thành phố và thành trì nổi tiếng như Cổ Loa, Luy Lâu. Cổ Loa là Việt vương thành, ở huyện Đông Ngạn, còn có tên là Loa thành vì vòng quanh như hình con ốc, xưa là chỗ đóng đô của Lạc Vương, dưới là Lạc hầu, Lạc tướng[29]. Khi Trưng vương nổi lên chống quân Hán xâm lược đã chiếm 65 thành trì[30].


Nguyễn Văn Siêu đã kể ra một số thành trì ngày xưa như là Long Biên thành, Giao Chỉ thành, Tống Bình thành, Nam Định thành, Chu Diên thành, Câu Lậu thành, Bình Đạo thành, Thái Bình thành, Vũ Bình thành, Lặc trúc thành, Đông Quan thành, Tam Đái thành, Việt Vương thành, Gia Lâm thành, Xương Giang thành, Quảng Nguyên thành, Khâu Ôn thành, Thang Châu thành, Chí Phong thành, Đô Trai thành, Hàm Tử quan, Giao Thủy thành, Phong Châu thành, Mi Linh thành, Cửu Chân quận thành, Nhật Nam thành, An Thuận thành, Vô Biên thành, Phúc Lộc thành, Nga Lạc thành, Hoan Châu thành, Trà Long thành, Ham Hoan thành, Đa Bang thành, Thủy Vi thành…[31].


Thăng Long thành tiêu biểu cho kiến trúc thành trì ngày xưa. Bản đồ đời Hồng Đức cho thấy thành hình thước cong, đông nam bắc ba mặt vuông thẳng, tây và nam kéo d ài. Bắt đầu từ cửa đông là thôn Đông Môn cũ đến phía bắc là sông Tô Lịch, đến xã Nhật Chiêu, qua nam là cửa Bảo Khánh đến Văn Miếu đến phía đông là dấu cũ Thăng Long thành. Bên trong là các cung điện như điện Chí Kính, điện Vạn Thọ, cung Ngọc Giản, Thái Miếu, điện Giảng Võ. Ngoài Thăng Long thành có Thăng Long ngoại thành tức thành Đại La xưa. Thành chu vi 7768 tầm 2 thước 5 tấc có 21 cửa ô, như cửa ô Trúc Bạch, An Hòa, Hòa Nhai, Trấn Quốc[32].


Nhiều thành trì chứng tỏ đô thị phát triển, nhưng kỹ thuật kiến trúc thì vô cùng quan trọng. Kiến trúc Loa thành là một kiến trúc tân kỳ. Đồng thời với Hồ Nguyên Trừng bị bắt sang Bắc Kinh có Nguyễn An là công trình sư xây thành Bắc Kinh. Nguyễn An sinh năm Tân Dậu (1381), quê ở vùng Hà Đông. Khi gần 16 tuổi (khoảng năm 1397), thời vua Trần Thuận Tông nhà Trần, ông đã tham gia các hiệp thợ xây dựng cung điện ở kinh thành Thăng Long nhà Trần.

Năm 1407, nhà Minh sang đánh bại nhà Hồ, chiếm được Việt Nam. Tướng nhà Minh là Trương Phụ, ngoài việc bắt cha con Hồ Quý Ly cùng toàn bộ triều đình nhà Hồ đem về Trung Quốc. Năm Vĩnh Lạc 14 (1416) theo lệnh của Minh Thành Tổ, Nguyễn An khi ấy mới ngoài 30, đã được giao trọng trách "tổng công trình sư" xây dựng thành Bắc Kinh mới (Cố Cung). Đến đời vua Minh Anh Tông thành Bắc Kinh lại được trùng tu và xây dựng bổ sung. Năm 1437, vua Minh Anh Tông giao cho bộ Công xây dựng lại kinh thành, viên Thị lang bộ Công là Sái Tín tâu xin trưng dụng 18 vạn dân phu giỏi nghề và chi tiêu tốn kém, thu mua rất nhiều vật liệu song phải đợi 5 năm xây xong; vua Minh thấy vậy liền giao cho Nguyễn An làm tổng đốc công (tổng công trình sư) trùng tu thành Bắc Kinh. Sách Kinh thành ký thắng của Dương Sĩ Kỳ viết:

Nguyễn An tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra cách làm, tất cả đều đúng với quy chế. Bộ công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay, bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến, thật là người đại tài, xuất chúng.


2. PHONG TỤC TẬP QUÁN VIỆT NAM


Buổi ban sơ, dân không đủ đồ dùng, phải lấy vỏ cây làm áo, dệt cỏ gianh làm chiếu, lấy cốt gạo làm rượu, lấy cây quang lang, cây tung lư làm cơm, lấy cầm thú, cá, ba ba làm mắm, lấy rễ gừng làm muối, cầy bằng dao, trồng bằng lửa. Đất sản xuất được nhiều gạo nếp, lấy ống tre mà thổi cơm. Bắc gỗ làm nhà để tránh hổ sói. Đẻ con ra lấy lá chuối lót cho nằm, có người chết thì giã cối làm lệnh, người lân cận nghe tiếng đến cứu. Chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam nữ trước hết lấy gói muối làm lễ hỏi, sau đó mới giết trâu dê làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân[33].


Nhiều sách nói dân ta xưa kia cắt tóc ngắn để dễ đi lại trong rừng rú[34]. Trần Cương Trung陳剛中trong Sứ Giao Châu Thi Tập 使交州 viết rằng đàn ông thảy đều cạo đầu, người có quan chức thì lấy vải xanh đội đầu. Dân đều như sư… đều đi chân không, thỉnh thoảng cũng có người đi giày da, nhưng đi đến điện nhà vua thì bỏ giày ra. Khi tiếp đón ở ngoài thành, hàng trăm người quan tước, mặc áo bào và cầm hốt đều quỳ. Da chân rất dày, leo núi như bay, dù gai góc cũng không sợ. Mũ đội đầu dùng màu xanh thẫm, làm bằng thứ lụa dày sơn, lấy sợi sắt xâu lên đầu mũ, đằng trước cao hai thước mà bẻ gập lại tới cổ, có giải thắt ở đàng sau, trên đỉnh mũ có vòng câu sắt, người có quan chức thì thêm cái giải vào vòng sắt này. Khi ở trong nhà thường để đầu trần, có khách tới mới đội mũ. Khi đi chơi xa thì sai đầy tớ mang mũ theo.

Duy có vua là bối tóc, rồi lấy lụa bao quấn vào đầu, trông xa như mũ luân cân của các nhà tu hành mà rộng hơn, phía bên thì thò ra mà rủ xuống. Người trong nước đều mặc áo lụa đen, quần thì bằng thứ là màu sam. Đàn bà cũng mặc áo đen tuy có khác là áo trắng ở trong thò dài ra và cổ áo rộng 4 tấc. Tuyệt không dùng những màu sắc xanh, đỏ, tía, vàng[35]. Nhưng thời Minh thuộc, quân Minh cấm dân ta đàn ông đàn bà cắt tóc, bắt đàn bà con gái mặc áo ngắn quần dài như người Trung quốc[36].

Lúc ấy, dân sống ở ven rừng, xuống nước đánh cá thường bị giống giao long làm hại, bèn tâu với Lạc Long Quân .Vua đáp: "Giống sơn man và giống thủy tộc có thù với nhau, thường ghét nhau cho nên hại nhau đó". Vua khiến dân chúng lấy mực xâm vào mình theo hình Long Quân, theo dạng thủy quái. Từ đó, dân không bị tai họa giao long làm hại nữa. Tục xăm mình của dân Bách Việt cũng bắt đầu từ đấy[37]. Liễu Tư Hậu, thi sĩ Trung Quốc có câu thơ:” Cộng lai Bách Việt văn thân địa”(Đi tới xứ Bách Việt là xứ vẽ mình)[38]. Người Việt Nam cũng khắc các hình lư hương, hay khâu liêm để trang điểm. Sách Địa Dư Chí và Lễ Ký của Trung Quốc đều nói dân ta có hai ngón chân cái giao nhau (giao chỉ), thường xâm chữ, xâm hình vào trán, vào bụng, chuyên ăn tươi nuốt sống không nấu nướng[39].


Nhà Trần vốn sống ở biển, làm nghề đánh cá nên thích vẽ rồng ở đùi, bắp vế[40].Về sau việc xâm hình có nhiều thay đổi. Việc vẽ mình còn tùy thuộc chức vụ, ngành nghề ở các triều đại. Đời Lê Hoàn, quân Cấm Vệ khắc ba chữ Thiên tử quân vào trán. Quân Túc Vệ đời Lý vẽ những hình đặc biệt vào chân tay Đời Lý Nhân tông, mùa đông năm mậu tuất (1118), triều đình cấm những kẻ nô bộc trong và ngoài kinh thành thích dấu mực vào ngực và chân tay như kiểu cấm quân, và những hình rồng ở mình. Ai phạm tội thì sung làm nô lệ ở các nhà quan[41].


Dân ta tin thần thánh. Khi trong nhà có người bệnh thì giết gà vịt cầu khẩn thần linh. Nếu bệnh không khỏi thì làm thịt trâu bò, dê heo cúng tế, van vái[42].


Tục Trung Quốc, sinh con ba ngày thì hội họp bà con lại. Việt Nam sinh con ba ngày thì làm cỗ cúng Bà mụ, đến 7 ngày, chín ngày, đầy tháng, tram ngày, giáp năm thì làm lễ cáo tổ tiên, rồi bày tiệc linh đình. Họ hàng, bạn bè mang thơ, rượu, quần áo, đồ chơi đến mừng. Lễ trăm ngày và giáp năm quan trọng hơn hết. Trong lễ giáp năm, người ta bày biện các vật dụng như bút, mực, đao, kiếm, cưa, đục, kim chỉ cho trẻ lựa chọn để tiên đoán tương lai trẻ.Tục này giống tục bên Giang nam, Trung quốc[43].


Ở Trung Quốc, khi khách đến nhà và ra về thì gia chủ ra ngõ đón và tiễn. Chủ khách chấp tay vái chào cung kính. Còn Việt Nam chủ tiếp khách và tiễn khách ở trong nhà mà thôi. Khi gặp nhau, chủ khách chỉ ôm tay chứ không chắp tay[44].
Sách Thanh Sương Tạp Ký 青霜雜記 của Trung Quốc nói ở Lĩnh Nam người ta không gọi nhau theo thứ tự trong gia đình mà gọi theo tên con[45].


3. TỔ CHỨC HÀNH CHÁNH VÀ QUÂN SỰ


Nước ta là một nước có nền hành chánh độc lập, khác với cách tổ chức của Trung quốc. Tăng Cổn là người sang thay Cao Biền năm 877, đã có tác phẩm Giao Châu ký, cũng gọi là Việt Chí, trong có đoạn :
Hùng vương, Hùng hầu làm chủ các quận huyện. Mỗi huyện có chức Hùng tướng”[46] Theo Bùi thị Quảng Châu ký, tướng văn là Lạc hầu, tướng võ là Lạc tướng[47]. Ngô Sĩ Liên viết:

“Hùng vương lên ngôi, đặt tướng văn gọi là Lạc hầu, tướng võ gọi là Lạc tướng


(Lạc tướng sau chép sai thành Hùng tướng). Con trai vua gọi là Quan lang, con gái vua gọi là Mỵ nuơng, quan coi việc gọi là Bồ chính, đời đời cha truyền cho con gọi là phụ đạo. Vua các đời đều gọi là Hùng vương cả”[48]


Giao Châu Ngoại Vực Ký chép rằng hồi chưa có quận huyện thì Lạc điền theo nước thủy triều lên xuống mà cày cấy. Người cày ruộng là Lạc dân, người cai quản là Lạc vương, người phó là Lạc tướng đều có ấn bằng đồng và giải sắc xanh làm huy hiệu[49]

Ngô Thời Sỹ chép rằng Hùng Vương là con vua Lạc Long, đặt quốc hiệu Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu, lãnh thổ rộng lớn, đông đến bể , tây đến Ba Thục, bắc đến Động Đình hồ, nam giáp Hồ Tôn, chia nước 15 bộ, chỗ vua ở là Văn Lang, con trai là quan lang, con gái là Mỵ nương, tướng văn là Lạc hầu, tướng võ là Lạc tướng, quan hữu tư là Bồ chính, thế tập là phụ đạo, 18 đời vua đều gọi là Hùng Vương[50]. Lê Quý Đôn chép rằng quan Hữu ty gọi là Bố chính, cha truyền con nối là phụ đạo, ở 15 bộ, mỗi bộ có chức trưởng và phó”. Sách Phiên Ngung Tạp Ký番隅雜記 của Trịnh Hùng鄭熊 đời Đường chép rằng nước ta tướng văn là Hùng hầu, tướng võ là Hùng tướng[51].


Việc xây nhiều thành trì cũng là một kỹ thuật quân sự. Trên kia, tôi đã giới thiệu Thăng Long thành và nói qua về thành nội Huế. Đấy là hai kinh đô của Việt Nam cho nên có quy mô to tát. Các tỉnh, các quan ải cũng có thành trì, lẽ tất nhiên với quy mô nhỏ hơn. Ải Đa Bang thì đắp thêm thành đất, sách với thành liên tiếp nhau đến hơn 900 dặm, lại ở bên nam sông Phú Lương, quanh sông đặt kè, lấy hết thuyền bè trong nước bày ở sông, các cửa sông cửa bể đều cắm kè dưới nước để phòng sự công kích[52]


Nhiều tài liệu cho thấy dân Việt Nam có tinh thần bất khuất, giỏi chiến đấu. Thái thú quận Giao Chỉ và Hợp Phố đời Ngô là Tiết Tống nhận định về dân ta như sau:”Núi rừng hiểm trở, dân dễ làm loạn và khó cai trị”[53]. Dân ta thường dùng tre làm làng chiến đấu chống xâm luợc. Nước ta có Lặc Trúc thành ở Tân Ch âu, Giao Chỉ thành đều trồng tre. Quân Tàu đã bắt chước kỹ thuật này của ta. Khoảng Đường Tuyên Tông (847-860), Vương Thức sang trấn thủ An Nam, đóng tre gai làm trại, bền tới được mấy chục năm, ngoài lại đào hào, ngoài hào trồng tre nhọn, giặc không xông vào được. Quảng Đông không có tre. Đời Tống, quận thú Hoàng Tế mới đem đem tre Việt Nam về Quảng Đông trồng để giữ an ninh thôn xóm[54].

Về quân sự, chúng ta đã nhiều lần chiến thắng Trung quốc và Trung quốc dù là kẻ chiến thắng hay chiến bại đã có lần học hỏi kỹ thuật quân sự của Việt Nam.
Năm 938AD, Ngô Quyền đánh thắng quân nhà Hán trên sông Bạch Đằng. Tiếp theo Lê Hoàn đánh tan binh Tống. Đến đời Lý, năm 1075, Lý Thường Kiệt và Tôn Đản đem100,000binh đánh vào châu Khâm, châu Liêm của nhà Tống[55]. Tống sử 宋史chép rằng quân nhà Lý thua. Sách Nhị Trình Di Thư 二程遺書 công nhận quân Tống thua to, chết khoảng 200,000 binh sĩ, chỉ còn 28,000 binh sống sót. Thi sĩ nhà Tống là Hoàng Đình Kiên黄庭堅 có bài thơ nói về cuộc chiến này và bài này còn lưu ở tập Uyên Giám淵鑑[56].

Sau chiến thắng của Lý Thường Kiệt, người Trung quốc đã học hỏi kỹ thuật quân sự Việt Nam. Tống sử chép :

'Thái Duyên Khánh là tri châu đất Hoạt, thường học đuợc phép tổ chức quân đội của An Nam, xin bắt chước quy chế chia ra từng bộ phận. Chia chính binh, quân tiễn thủ, nhân mã đoàn làm chín phủ. Hợp trăm đội chia làm tả hũu, tiền hậu bốn đội. Mỗi đội có trú chiến ( đóng quân để đánh), thác chiến ( đi đánh).


Tướng nào cũng có lệnh bộ, quân kỷ, khí giới, chỉ lấy nhân mã, phiêu binh mà phân biệt. Tất cả đều tùy chỗ đóng mà chia. Số chư tướng không bằng nửa số chính binh. Còn về sự kiềm chế thì cho quân già yếu ở thành trại, tùy xa gần mà chia giữ, không cho binh Phiên và binh Hán ở lẫn nhau cho khỏi sinh biến. Vua Thần tông (1067-1085 ) nhà Tống khen mãi.”[57]


Minh Sử chép sau khi bắt cha con Hồ Quý Ly về Nam kinh. con Hồ Quý Ly là Hồ Nguyên Trừng được vua Minh phong chức Binh Bộ thượng thư, đặc trách chế súng thần sang[58]. Trước đó khi xâm chiếm Việt Nam, quân Minh thu vét sách vở và nhân tài Việt Nam đưa về Trung quốc cũng là để ăn cắp khoa học, kỹ thuật Việt Nam, đồng thời tiêu diệt văn hóa và khoa học kỹ thuật Việt Nam. Người Trung Quốc khoe khoang rằng họ là người đầu tiên chế thuốc súng, tạo súng thần công, tại sao phải nhờ Hồ Nguyên Trừng? Vậy kỹ thuật chế súng thần công, việc dùng thuốc súng khởi đầu tại Việt Nam hay tại Trung quốc?


4. LÚA

Nước ta là một nước có nền nông nghiệp phát triển vì ta có kỹ thuật cao và ruộng đất phì nhiêu. Từ xưa, dân Xích Quỷ đã có chính sách ruộng đất phân minh. Có lẽ chính sách ruộng đất đã gắn bó với tổ chức hành chánh trong nuớc. Giao Châu ký hayViệt Chí, hay NamViệt Chí của Tăng Cổn - người thay Cao Biền- chép năm 877 có đoạn: “Đất Giao Chỉ xưa rất phì nhiêu, xưa có quân trưởng là Lạc Hùng vương, kẻ giúp việc gọi là Hùng hầu, ruộng gọi là Hùng điền, dân khai khẩn lấy lúa ăn gọi là Hùng dân”.[59]
Các sử gia Trung Quốc và Việt Nam đã nhận định về các ưu điểm của nền canh nông Việtnam.

(1). Việt Nam có nhiều kiểu canh tác, tùy theo ruộng đất.

-Những dân ở miền núi vì đất khô cằn, vì núi rừng rậm rạp cho nên họ đốt rừng làm rẫy. Truyện Họ Hồng Bàng trong Lĩnh Nam Chích Quái có nói dân ta thuở hồng hoang “cấy bằng dao, trồng bằng lửa” là thế.

-Nhưng ruộng đất nước Văn Lang phần nhiều tốt, nuớc dâng cao, dân ta đã biết trồng lúa nước, có lẽ giống cách trồng lúa nổi ở miền sông Cửu Long ngày nay. Bùi thị Quảng Châu ký chép:”'Giao Chỉ có ruộng Lạc điền, theo nước triều lên xuống, những người dân cấy ruộng ấy gọi là người Lạc, quan tướng văn là Lạc hầu, quan tướng võ là Lạc tướng, ấn đồng giải xanh như các quan lệnh trưởng ngày nay”[60]

An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng chép. "Giao Chỉ khi chưa đặt làm quận huyện, bấy giờcó ruộng Lạc, theo nước triều lên xuống mà làm ruộng[61].Sách Giao Châu Ngoại Vực ký cũng có ý kiến tương tự: “Hồi xưa chưa có quận huyện thì lạc điền tùy theo thủy triều lên xuống mà cày cấy”[62].

-Dân ta thuở ấy biết đắp đê ngăn sông chống lụt. Đê Hồng Hà đã có rất lâu. Đào Duy Anh cho biết sách Quận Quốc Chí chép:”Quận Giao Chỉ ở phía tây bắc huyện Long Biên có đê giữ nước sông”. Đào Duy Anh cũng ghi rằng đời Đường (867-875), Cao Biền đắp đê quanh thành Đại La dài 2125 trượng để ngăn nước sông' [63]

(2). Ruộng tốt, dân tích cực canh tác:

Dân ta trồng mỗi năm hai vụ lúa là lúa mùa và lúa chiêm[64]. Sách Phiên Ngung Tạp Ký番隅雜記 của Trịnh Hùng鄭熊đời Đường chép rằng Giao Chỉ đất màu mỡ[65]. Sách Quảng Đông Tân Ngữ 廣東新語chép rằng ven biển ruộng cát sinh phù sa, đất màu mỡ. Ở nước ta mối lợi bãi cát cũng khá lắm, vùng Sơn Tây, Thanh Hóa đất phù sa ở sông nổi lên trồng lúa, trồng dâu, trồng mía đều đắc lợi[66]. Lê Quý Đôn cũng nói đến đất đai nước ta màu mỡ hàng ngàn dặm, ruộng bằng muôn khoảnh, một năm hai mùa, có đất trồng lúa chiêm, lại là nơi các nước đến buôn bán[67].


(3).Năng suât lúa rất cao.


Sách Cổ Kim Chú古今註 viết:”Năm Diên Quang thứ hai(123), đời Hán An Đế, ở quận Cửu Chân, lúa tốt quá, 150 gốc lúa đuợc 768 bông[68].
Vì nước ta lúa gạo ê hề cho nên người Trung Quốc bắt ta sưu thuế nặng nề, cốt vơ vét đem về Trung quốc. Ta có thể nói riêng thóc Giao Chỉ bằng thóc Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam cộng lại. Khuất Đại Quân đời Minh trong Quảng Đông Tân Ngữ chép:”' Đât Giao Chỉ có 17 quận, 49 châu, 157 huyện. Mỗi năm nộp thóc cho quan Tư Nông hơn một ngàn ba trăm sáu mươi vạn (13.600.000) hộc. Tính ra tất cả thuế các châu Mân, Quảng, Điền, Kiềm thì cũng không bằng”[69].

Việc thu thuế này cũng cho thấy quan lại Trung Quốc bóc lột dân Việt Nam thái thậm. Lê Quý Đôn viết:” Than ôi, dưới thời nhà Hán, nhà Đường, người Tàu sang làm quan ở đất này được mấy người là quan lại thanh liêm. Chính trị hà khắc còn dữ hơn cọp. Thuế má tàn bạo còn độc hơn rắn dữ, thì dân làm sao kham nổi[70]. Nhâm Diên một quan thái thú Giao Chỉ ở thế kỷ thứ nhất đã thú nhận sự bóc lột dã man của Trung Quốc khiến cho dân Việt Nam ta thán vô cùng:”'Ruộng giống lúa trắng, tháng năm cấy, tháng mười gặt, lúa đỏ tháng chạp cấy, tháng tư gặt. Bởi thế, người ta thường bảo rằng' Nước thâu thuế ruộng hai mùa, làng công tơ tằm tám lứa. Đất hẹp dân đông, có sản xuất lúa mà không có lúa mạch “[71].

(4).Nước ta có nhiều giống thóc.

Sách BảnThảo 本草 nói Việt Nam có hai loại thóc, Lê Quý Đôn kể ra khoảng 50 loại lúa ở Việt Nam, nhất là vùng Sơn Nam, Nghệ An, Cao Bằng, Thái Nguyên. sách Quảng Chí 廣志 của nhà Đường kể ra 9 loại thóc ở Việt Nam. Sách Quảng ĐôngTân Ngữ 廣東新語 kê khai 10 loại[72].


(5).Trung Quốc thiếu thóc, phải nhập thóc ViệtNam.


Trung Quốc thiếu gạo nên vua ĐườngTuyên Tông 真宗 (998-1022) đã gửi sứ giả sang Chiêm Thành mua 30,000 đấu thóc. Đời Tống cũng sai sứ sang Chiêm Thành mua lúa gạo. Sách Bản Thảo本草 gọi loại lúa này là tiên lạp 秈粒[73]. Sách Bản Thảo 本草 cũng nói Việt Nam và Chiêm Thành gần nhau nên cả hai nước đều có giống lúa này. Lúa này gieo trồng tháng chạp và gặt vào mùa hè, và gọi là lúa chiêm[74].Quảng Đông, Quảng Tây đất rộng nhưng xấu, dân hai tỉnh này không trồng lúa, chỉ thích buôn bán và trồng đay, thuốc lá, cây cỏ, cho nên mỗi năm phải mua lúa gạo Việt nam [75]. Thời nhà Hán, dân hai quận Nam Hải (Quảng Đông ), Quế Lâm (Quảng Tây ) đều đến nước ta làm phu khuân vác, chuyên chở thóc thuế[76].


(6).Nước ta trồng lúa đã lâu đời.


Nước ta trồng lúa rất sớm. Giao Châu Ký交州記 của Tăng Cổn 曾袞viết năm 877 nói rằng Giao Chỉ làm ruộng từ đời HùngVương: “Sa”[77]. Sách Giao ChâuNgoại Vực Ký của Trung Quốc còn đi xa hơn nữa, nói rằng khi còn bán khai, chưa lập quốc độ, dân ta đã biết trồng lúa:” Hồi xưa, chưa có quận huyện thì Lạc điền tùy theo thủy triều mà cày cấy”[78].


Sách Thiên Trung 天中記 theo Thủy Kinh Chú 水經注 chép rằng nước Việt Nam biết trồng lúa 600 năm trước đời Hán[79].


Nhiều sách như Thiên Trung Ký, Thuỷ Kinh Chú và một số sử gia Trung Quốc, Việt Nam đều sai lầm khi viết Nhâm Diên dạy dân ta cày bừa[80]. Nhâm Diên sống đời Hán Vũ Đế (6BC- 57) đầu thế kỷ thứ nhất, còn dân ta biết trồng lúa theo sách Trung quốc là trước đời Hùng Vương, trước đời Hán 600 năm. Và theo Wilhelm G. Solheim II, nước ta có nền nông nghiệp sóm nhất thế giới, vào khoảng 15 ngàn năm trước tây lịch. Stephen Oppenheimer cũng cho rằng người dân của nền văn minh Hòa Bình biết kỹ thuật canh tác 10 ngàn năm , còn Trung quốc trồng lúa khoảng 5 ngàn năm đến 6.500 năm[81]
Năm 184 BC, Lã hậu呂后 (241BC – 180 BC) cấm Việt Nam mua sắt, đồng và súc vật giống cái[82]. Và năm 111BC, khi Lộ Bác Đức đánh chiếm Nam Việt, các quan phải dâng 300 trâu bò và 1,000 vò rượu cùng nạp sổ sách xin đầu hàng[83].


Lê Quý Đôn cũng cho biết Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An nước ta sản xuất vàng bạc, đồng sắt, và các nước lân cận như Bồn Man, Lão Qua, Cao Miên thường mang trâu bò đến bán cho ta[84].

Sự kiện này cho biết nước ta có nhiều trâu bò cày bừa, có nhiều kim loại nhưng vẫn nhập cảng trâu bò, kim loại để tăng sức kéo và “tư liệu sản xuất” trong nông nghiệp. Do đất tốt, kỹ thuật canh tác cao, nước ta sản xuất nhiều gạo. Việc Cao hậu cấm xuất cảng trâu bò và kim thiết điền khí xảy vào năm mậu ngọ (183 tr.TL) tức gần 200 năm trước khi Nhâm Diên sang cai trị Giao Chỉ, điều này cho thấy những lời ca tụng Trung Quốc, đề cao Nhâm Diên là sai lầm.


5. ÂM VANG TRỐNG ĐỒNG


Về công nghệ và mỹ thuật, dân ta rất thiện nghệ trong việc đúc đồng , Giao Châu Ký củaTăng Cổn chép: Người Việt đúc đồng làm thuyền. Khi nước thủy triều xuống thì trông thấy[85]. Sách Bác Vật Chí nói:”Giống sơn man ở Giao châu, Quảng châu gọi là Lý Tử, cung của họ dài hơn một thước, đúc đồng làm mũi tên, đầu tên bôi thuốc độc, tên trúng vào người nào người ấy tất chết. Ngày nay sơn man vẫn dùng cung ấy, hổ báo cũng sợ trốn”[86].

Đỉnh cao của việc đúc đồng là việc đúc trống đồng và chạm trổ tinh vi. Những chi tiết do sử Trung Quốc đưa ra là phù hợp với học giả Solheim II, trống đồng sản xuất tại Việt nam có trước tây lịch vài thiên niên kỷ[87].


Người Trung Quốc cho rằng trống đồng do họ chế tạo nhưng Hậu Hán Thư lại nói rằng trống đồng là do Mã Viện đi đánh người Lạc Việt ở Giao Chỉ mang về. (Wikipedia).Trong thơ văn, từ điệu đời Đường, có vài bài nhắc đến trống đồng. Trước tiên là bài Tống khách nam quy hữu hoài của Hứa Hồn 許渾 (khoảng 844):

送客南歸有懷(許渾 唐詩)

 綠水暖青蘋,湘潭萬里春。
 瓦尊迎海客,銅鼓賽江神。
 避雨松楓岸,看雲楊柳津。
 長安一杯酒,座上有歸人。


Tống khách nam quy hữu hoài
Lục thủy noãn thanh tần
Tương đàm vạn lý xuân
Ngõa tôn nghinh hải khách
Đồng cổ trại giang thần
Tỵ vũ tùng phong ngạn
Khán vân dương liễu tân
Trường An nhất bôi tửu
Toạ thượng hữu quy nhân.
(Hứa Hồn)

Tiễn khách về Nam

Nước biếc ấm lau xanh

Hồ Tương ngàn dặm sắc xuân thanh.
Đón khách chén rượu sành
Trống đồng tế thần sông
Tùng liễu trên bờ xanh
Trường An nâng chén rưọu
Tiễn người về quê xưa.
Tiếp theo là bài Bồ tát Man của Tôn Quang Hiến 孙光宪(901-968)
菩薩蠻 (孙光宪)
木棉花映丛祠小,越禽声里春光晓。铜鼓与蛮歌,南人祈赛多。

Bồ Tát Man
Mộc miên hoa ánh tùng từ tiểu
Việt cầm thanh lý xuân quang hiểu
Đồng cổ dữ Man ca
Nam nhân kỳ trại đa
(Tôn Quang Hiển)
Bồ Tát của người Man

Dưới hoa gạo, chùa Phật rạng rỡ
Tiếng chim Việt trong ánh xuân quang.
Tiếng trống đồng hòa tiếng Man nữ,
Người phương Nam lễ bái rộn ràng.
Sau đây là một đoạn trong Độc thần từ của Ôn Đình Quân溫廷筠 (812-870)

瀆神詞 (溫廷筠)
銅鼓賽神來,
滿庭幡蓋徘徊。
水村江浦過風雷,
楚山如畫煙開。
溫廷筠
Độc thần từ
Đồng cổ trại thần lai
Mãn đình phan cái bồi hồi
Thuỷ thôn giang phố quá phong lôi
Sở sơn như họa yên khai.
(Ôn Đình Quân)
Bài từ Thần sông
Đánh trống đồng cúng thần
Cờ lọng cắm đầy sân.
Trên sông giông và gió.
Núi Sở mây khói vần.

Và đây là thơ Đỗ Mục 杜牧 (803-853?), một đoạn trong bài Hoài Chung Lăng cựu du

滕阁中春绮席开,柘枝蛮鼓殷晴雷。
垂楼万幕青云合,破浪千帆阵马来。
(怀钟陵旧游)(杜牧 唐诗)
Đằng các trung xuân ỷ tịch khai,
Thác chi man cổ ẩn tình lôi.
Thùy lâu vạn mạc thanh vân hợp,
Phá lãng thiên phàm trận mã lai.
(Hoài Chung Lăng cựu du -Đỗ Mục)
Mùa xuân, trải chiếu giữa gác Đằng
Trống đồng hòa với tiếng sấm vang.
Lầu cao màn trướng mây xanh tụ
Sóng dậy, buồm nhô ngựa vạn hàng.
(Nhớ Chung lăng xưa qua chơi )

Trần Vũ 陈羽( khoảng 806) một thi sĩ đời Đường, có bài thơ Thành hạ văn di ca như sau:
《城下闻夷歌》 - 陈羽
犍为城下{牛羊}牱路,空冢滩西贾客舟。
此夜可怜江上月,夷歌铜鼓不胜愁。
Thành hạ văn Di ca
Kiền Vy thành hạ ca tang lộ,
Không trủng nan tây phúc khách châu
Thử dạ khả liên giang thượng nguyệt
Di ca đồng cổ bất thăng sầu!

Dưới thành nghe bọn Man Di ca
Dưới thành lối nhỏ trâu dê đi
Đồi cao chẳng tiện ghé tàu bè.
Tiếng trống đồng, tiếng ca lũ mọi,
Trên sông trăng sáng dạ sầu bi,


Chung Lăng: thuộc tỉnh Giang Tây, thành phố Nam Xương, ở nam Trung Quốc, gần Quảng Đông. Kiền Vy thuộc tỉnh Tứ Xuyên cùng Hồ Bắc, Hồ Nam gần Quảng tây, thuộc phía nam Trung Quốc. Sở 楚, khoảng 1030 TCN-223 TCN và 209 TCN-202 TCN), còn được gọi là Kinh (荆) và sau đó là Kinh Sở (荆楚), là một vương quốc chư hầu thời Xuân Thu (722-481 TCN) và Chiến Quốc (481-221 TCN) ở nơi hiện nay là phía nam Trung Quốc. Với sức mạnh của mình, Sở đã tiêu diệt 45 chư hầu lớn nhỏ và ở thời hùng mạnh nhất, Sở chiếm nhiều vùng đất rộng lớn, gồm toàn bộ các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, và một phần của các tỉnh thành Trùng Khánh, Hà Nam, Thượng Hải, Giang Tô, Quý Châu, An Huy, Chiết Giang ngày nay. Nước Sở thời đó ở gần Quảng Đông, Quảng Đông cho nên nhiều người cho rẳng nước Sở là của Việt Nam.

Qua mấy bài thơ và từ khúc trên, ta thấy các tác giả chú trọng đến miền nam Trung quốc là nơi gồm dân Bách Việt, trong đó có giống Lạc Việt tức Việt Nam ta. Như đã nói ở trên, người Hán tộc coi khinh các dân tộc biên cương, gọi họ là Di, Địch, Nhung, Man. Man đây là nói dân Bách Việt, trong đó có dân Việt Nam. Tần Thủy hoàng xâm chiếm các nước miền nam Trung Quốc trong đó có Việt Nam. Thời Hán, Đường, Tống dân Bách Việt chưa bị đồng hóa cho nên vẫn giữ bản sắc dân tộc trong sinh hoạt tín ngưỡng và đời sống hàng ngày. Họ đánh trống đồng và ca hát. Không những họ giữ bản sắc nam phương Bách Việt mà còn truyền bá sang Hán tộc cho nên tận Trường An mà cũng có tiếng trống đồng và điệu ca Man nữ!

Các học giả Trung quốc rán gân cổ cãi rằng trống đồng là của họ nhưng các nhà khảo cổ quốc tế đã xác nhận trống đồng có nguồn gốc tại Việt Nam, hằng thiên niên kỷ trưóc CN, và mặc dù các nơi cũng có trống đồng nhưng Việt Nam vẫn là nơi có có trống đồng nhiều nhất.


Tại Trường an thời Hứa Hồn tức thời nhà Đường (thế kỷ IX) có tiếng trống đồng, vì thời Hán (thế kỷ I CN), Mã Viện đã sang Giao Chỉ mang về. Sau đó các cuộc mua bán, chiếm đoạt, hoặc làn sóng di cư đã đưa văn hóa miền nam lên miền bắc. Lại nữa, qua các bài thơ trên, với giọng điệu khinh bỉ, các thi nhân Trung Quốc dè bỉu xem trống đồng luôn đi với Man nữ và Di dân, Nam nhân tức là bọn mọi rợ phương Nam, nghĩa là trống đồng cũng như các tục lệ cúng tế thần linh, cúng Phật, ca hát là của dân Bách Việt, trong đó có Việt Nam chứ không phải dân Hán cao quý.


Tiếng trống đồng Việt Nam đã làm cho quân Nguyên hoảng sợ. Sau ba lần đại bại, Trần Phu (陳孚) sứ thần nhà Nguyên sang Viêt Nam khi trở về có bài thơ Cảm sự như sau:


交州使還感事 (陳孚)
少年偶此請長纓,命落南州一羽輕。
萬里上林無雁到,三更函谷有雞鳴。
金戈影裏丹心苦,銅鼓聲中白髮生。
已幸歸來身健在,夢回猶覺瘴魂驚。

Giao Châu sứ hoàn cảm sự
Thiếu niên ngẫu thử thỉnh trường anh,
Mệnh lạc Nam Châu nhất vũ khinh.
Vạn lý Thượng Lâm vô nhạn đáo,
Tam canh Hàm Cốc hữu kê minh.
Kim qua ảnh lý đan tâm khổ,
Đồng cổ thanh trung bạch phát sinh.
Dĩ hạnh quy lai thân kiện tại,
Mộng hồi do giác chướng hồn kinh.

Đi sứ Giao Châu về cảm tác
Tuổi trẻ quan cao, địa vị sang,
Nam chinh sinh tử đã không màng.
Thượng Lâm muôn dặm cá nhàn vắng,
Hàm Cốc ba canh gà chó ran.
Xót dạ bởi nhìn kiếm thép sáng,
Bạc đầu vì sợ trống đồng vang.
Phúc nhà thân trở về nguyên vẹn,
Trong mộng đêm về vẫn hoảng kinh.




Nói tóm lại, thời thượng cổ, dân ta đã có một nền nông nghiệp vững vàng, và có nghề đúc đồng, làm trống đồng rất xuất sắc. Qua vài điều trên, các nhà khảo cổ đã cho ta biết nghề đúc đồng và trồng lúa đã có hàng thiên niên kỷ trước công nguyên, trước các nền văn hóa Cận Đông, Ấn Độ và Trung Quốc. Dân ta yêu nước, có tinh thần bất khuất, đã bao lần đánh đuổi ngoại xâm, giành độc lập tự do, tạo nên một cuộc sống an vui hạnh phúc.


[1] Stephen Oppenheimer, Eden in the East The Drowned Continent of Southeast Asia “. Phoenix, London, 1998, 1-4.  Bản dịch Việt ngữ  STEPHEN OPEPENHEIMER * ĐỊA ĐÀNG Ở PHƯƠNG ĐÔNG ,   ghi ĐĐ.
[2] Wilhelm Solheim II. New Light On A Forgotten Past. National Geographic.Vol 139 . No  3, March, 1971, pp.339, p.23-30. DOCUMENTS OF VIETNAMESE ANCIENT CULTURE I.
[3] Wilhelm Solheim II. A Brief History of the Dongson Concept. DOCUMENTS OF VIETNAMESE ANCIENT CULTURE I.
[4] Ngô Sĩ Liên. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư I (Complete Annals of Đại Việt), Khoa Học Xã hội, HàNội, 1967, 61;--Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Tân Việt, Saigon, 1958, 24.
[5] Ngô Sĩ Liên I, 51. Trần Thế Pháp. Lĩnh Nam Chích Quái, Truyện Họ Hồng Bàng.
Ba Thục nay là tỉnh Tứ Xuyên, phía nam giáp Vân Nam. Động Đình hồ, là một hồ lớn ở đông bắc tỉnh Hồ nam, nam giáp tỉnh Quảng Tây (Trung quốc).
[6] Ngô Sĩ Liên I, 20.-- Wikipedia chép:Đế Ly (chữ Hán: 帝釐) hay đế Nghi được xem là vị vua thứ 5 của Thần Nông thị trong huyền sử trung Quốc, theo sách Tư trị thông giám của Tư Mã Quang đời nhà Tống phần ngoại kỷ ghi chép thì ông là con trưởng của đế Minh. Còn theo Tư Mã Trinh bổ sung vào Sử Ký Tư Mã Thiên phần Tam Hoàng bản kỷ thì ông là con của đế Trực và là cháu nội đế Minh, nghĩa là theo sách này thì ông sẽ là vị vua thứ 6 của triều đại Thần Nông “. Sử Trung quốc coi Phục Hy, Thần Nông là thần thoại, chính sử không ghi tên Phục Hy, Thần Nông,  Đế Nghi.
[7] Ngô Thời Sỹ. Việt Sử Tiêu Án. Văn Hóa Á Châu Saigon, 1960. 10.
[8] Trần Trọng Kim. Việt Nam Sử Lược. Tân Việt, Saigon, 1958, 28.
[9] Danh từ rất phức tạp. Quốc hiệu là Văn Lang, mà nơi vua ở tức kinh đô cũng gọi Văn Lang. Cương Mục: Lời cẩn án -Phong Châu: Sử cũ chua "tức là Bạch Hạc". Đường thư Địa lý chí chép: "Phong Châu thống lĩnh năm huyện". Thái Bình hoàn vũ ký của Nhạc Sửtriều Tống chép: "Quận Thừa Hóa Phong Châu xưa là nước Văn Lang". Như thế thì Phong Châu tức là địa hạt phủ Vĩnh Tường và phủ Lâm Thao thuộc tỉnh Sơn ây bây giờ. Vả lại, còn bằng cứ là huyện Sơn Vi có núi Hùng Vương và đền Hùng Vương, vậy không thể riêng chỉ Bạch Hạc được. CM,quyển I, tr.3.
[10] Nguyễn Văn Siêu, 14,15, 35.
[11] Trần Trọng Kim, 28, 37,45,50;
[12] Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình Dư Địa Chí. Ngô Mạnh Nghinh dịch, Tự Do, Saigon, 1960, 15.
[13] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 221.
[14] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, ,250-257.
[15] Trần Trọng Kim, 274. -Lê Quý Đôn ghi Tư Lẫm, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát trong châu Yên Quảng và châu Vĩnh Yên ( Đại Việt Thông Sử. Lê Mạnh Liêu dịch, QVK, Saigon, 1973. 144);--Quốc Sử Quán nhà Nguyễn chép:” Mạc Đăng Dung xin dâng đất các động Ti phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, An Lương thuộc châu Vĩnh An ở Yên Quảng để lệ thuộc vào Khâm Châu nhà Minh.( Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Giáo Dục, Hà Nội ,1957-1960. Chính Biên, quyển XXVII, tr.634).
[16] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 249.
[17] Trần TrọngKim, 383;-- Đại Nam Liệt Truyện, Thuận Hóa, 1993. tập II, quyển 30, Truyện Ngụy Tây-Nguyễn Văn Huệ, 256.
[18] Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình Dư Địa Chí, 14.
[19] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 194.
[20] Ngô Sĩ Liên. Đại Việt sử ký toàn thư I, 73.
[21] Ngô Sĩ Liên I,193-196.
[22] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, Tạ Quang Phat dịch, Phủ QVK, Saigon 1972, 224.
[23] Lê Tắc, An Nam Chí Lược, DHHuế, 1961, tr.112.
[24] Lê Quý Đôn, Kiến Văn Tiểu Lục I, Trúc Viên Lê Mạnh Liêu dịch, Bộ QGGD,Saigon,1963,tr.257.
[25] Nguyễn Văn Siêu, Phương Đinh Dư Địa Chí, tr.17-18.
[26] Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi toàn tập, KHXH, Hanoi, 1976, tr.213-214.
[27] Phan Huy Chú, Dư Địa Chí, Nguyễn Thọ Dực dịch, QVK, Saigon, 1972, tr. 28-29.
[28] Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục I, 29.
[29] Nguyễn Văn Siêu, Phương Đinh Dư Địa Chí,61. Cương Mục ch ép: Vua Thục đắp thành ở Phong Khê, rộng đến nghìn trượng, xoáy tròn như hình trôn ốc, nên gọi là Loa thành, lại gọi là thành Tư Long. Lời chua - Loa thành: Theo An Nam chí nguyên của Cao Hùng Trưng, Loa thành, ở huyện Đông Ngàn, xoáy tròn chín vòng như hình trôn ốc, kiểu làm do An Dương Vương sáng tạo, lại gọi là thành Khả Lũ. Trong thành còn nền cung vua An Dương ngày trước. tr.7.
[30] Ngô sĩ Liên I, 91;--Trần Trọng Kim, 45.
[31] Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình Dư Địa Chí, 61-83
[32] Nguyễn Văn Siêu, 104-105
[33] Trần Thế Pháp. Truyện Họ Hồng Bàng.Thư Vương Võ Xứng đời Tống gửi quốc vương Giao Chỉ cũng nói dân ta mặc đồ cỏ, lá cây, cắt tóc. Lê Tắc, 116. Truyện Chim trĩ trắng kể rằng dân Giao Chỉ cắt tóc ngắn, để đầu trần, xăm mình, đi chân đất.
[34] Trần Thế Pháp. Truyện Họ Hồng Bàng.Truyện trĩ trắng.
[35] Lê Quý Đôn, Kiến Văn Tiểu Lục I, 117. Tài liệu Trung Quốc  ghi là tên Trần Phù陳孚, Phan Huy Chú có chép bài thơ này, và ghi tên là của sứ giả Trần Cương Trung 剛中.KVTL I, 245.
[36] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư II, 250;--  Lê Quý Đôn, Kiến Văn Tiểu Lục I, 117. ,
[37] Ngô Sĩ Liên I, 249;-- TrầnThế Pháp. Lĩnh Nam Chích quái, Họ Hồng Bàng.
[38] Lê Tắc,45.
[39] Lê Quý Đôn, Kiến Văn Tiểu Lục I, 117. Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 217.Sách Lễ Ký 禮記 ghi 4 chđiêu đề Giao Chỉ 雕題 交趾 nghĩa là xâm trán, chân cái giao nhau. Nguyễn Văn Siêu, 108.
[40] Ngô Sĩ Liên II, 78.
[41] Ngô Sĩ Liên, 249. Lê Quý Đôn, Kiến Văn Tiểu Lục I, p. 116-119;--Lê Tắc, 45,83; --Ngô Sĩ Liên I, 61,249;-- TrầnThế Pháp. Lĩnh Nam Chích quái, Họ Hồng Bàng;-- Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 217.
[42] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ II, Tạ Quang Phat dịch, Phủ QVK, Saigon 1972, 22.
[43] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ II, 27.
[44] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ II, 25.
[45] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ II, 145-146. Đây là gọi theo tên con đầu.
[46] Nguyễn Văn Siêu, 55.
[47] Nguyễn Văn Siêu,109.
[48] Ngô Sĩ Liên, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư II, 61.
[49] Lê Tắc, 39.
[50] Ngô Thời Sỹ, Việt Sử Tiêu Án, V ăn HóaÁ Châu,Saigon, 1960,  13.
[51]  Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 214, 253.
[52] Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình Dư Địa Chí,59.
[53] Lê Tắc, 112.
[54] Nguyễn Văn Siêu, Phương Đình Dư Địa Chí,57;-- Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 213.
[55] Trần TrọngKim, 107;--Wikipedia,
[56] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 271-273.
[57] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ II, 81-82.
[58] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ II, 78.
[59] Nguyễn Văn Siêu, Phương Đinh Dư Địa Chí,55
[60] Nguyễn Văn Siêu, Phương Đinh Dư Địa Chí,109.
[61] Cương Mục, 3.
[62] Lê Tắc, 39.
[63] Đào Duy Anh,VNVHSL, Quan Hải tùng Thư, Huế,1936. 46.
[64] Chuxue ji 初學記 and Yiwu zhi異物志,Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ III, 233,241;- Lê Tăc, 242.
[65] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 214.
[66] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 213.
[67] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 222.
[68] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ III, 233.
[69] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 219.
[70] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 223.
[71] Lê Tăc, 242.
[72] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ III, 241,243.
[73] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ III, 243-244
[74] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ III,243-244
[75] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 275.
[76] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 194.
[77] Nguyễn Văn Siêu, 55
[78] Lê Tắc, 39.
[79] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 286.
[80]Đào Duy Anh, tr.41.
[81] Stephen Oppenheimer. Eden In The East.Phoenix, Great Britain, 1999, tr. 69.
[82] Ngô Sĩ Liên I, 73, 78.
[83] Ngô Sĩ Liên, I, 87.
[84] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ I, 222,223.
[85] Ngô Sĩ Liên I, tr.87.
[86] Lê Quý Đôn, Vân Đài Loại Ngữ III, 159.
[87] Stephen Oppenheimer, 4, 5, 69.


1 comment: